Hải quân Mỹ lên kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc

Một số quan chức quốc phòng Mỹ hôm qua (4-10) đã tiết lộ với CNN rằng Hạm đội Thái Bình Dương của nước này đang soạn thảo các kế hoạch triển khai sự hiện diện của lực lượng ở phạm vi toàn cầu nhằm cảnh báo và ngăn chặn các hành động quân sự của Trung Quốc (TQ).

Sau thương mại đến căng thẳng quân sự

Thông tin về hoạt động quân sự quan trọng này của Mỹ được đưa ra khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang chuẩn bị công bố chi tiết các nội dung nhằm chứng minh TQ đang can thiệp vào bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ thông qua các chiến dịch tuyên truyền, gián điệp, đánh thuế quan và các hình thức đe dọa nhằm vào Washington. Điều này đã được Tổng thống Donald Trump tuyên bố trước lãnh đạo thế giới tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi cuối tháng 9.

“Bắc Kinh đã huy động các nhân tố bí mật, các nhóm đối lập và các tổ chức tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân Mỹ về các chính sách của TQ” - Phó Tổng thống Mike Pence nói, dẫn nguồn tin từ một quan chức tình báo cao cấp của Mỹ.

Căng thẳng quân sự Mỹ-TQ diễn ra và bắt đầu leo thang khi hơn hai tháng qua quan hệ thương mại hai nước trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Mỹ đến lúc này đã đánh thuế lên 250 tỉ USD hàng TQ và dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng về mức thuế lẫn phạm vi, quy mô; trong khi phía TQ cũng trả đũa bằng biện pháp tương ứng với 110 tỉ USD hàng Mỹ, cùng với các chính sách phi thuế quan khác.

Những gì mà chính quyền Trump đã làm cho đến bây giờ không giống một cuộc chiến thương mại thông thường. Giới quan sát và ngay cả chính quyền Bắc Kinh cũng thừa nhận và lo ngại Washington đang tổ chức triển khai một chiến lược toàn diện, gồm mặt trận kinh tế lẫn quân sự nhằm ngăn chặn quyền lực ngày càng to lớn và tham vọng đẩy Mỹ khỏi Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương mà TQ đã không còn che giấu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.  Ảnh: INTERNET

Các vùng biển trọng yếu

Dự thảo triển khai quân sự của hải quân Mỹ đề xuất Hạm đội Thái Bình Dương thực hiện một chuỗi hoạt động kéo dài suốt một tuần trong tháng 11 năm nay, huy động các tàu chiến, chiến đấu cơ và binh lính Mỹ. Các hoạt động nhằm chứng minh năng lực quốc phòng của Mỹ, khẳng định Mỹ hoàn toàn có thể phản ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả trước các hành động của kẻ thù diễn ra cùng lúc trên nhiều mặt trận, theo CNN.

Hải quân Mỹ dự kiến cũng triển khai các tàu, các chuyến bay trực thăng tuần tra ở biển Đông và eo biển Đài Loan, bày tỏ quyết tâm theo đuổi, đảm bảo tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế. Theo CNN, hoạt động hải quân mới của Mỹ có thể kéo dài đến bờ biển phía Tây Nam Mỹ, nơi TQ đang mở rộng các hoạt động ngoại giao và đầu tư. Nếu đề xuất ban đầu được thông qua, hải quân Mỹ còn có khả năng mở rộng hoạt động đến gần khu vực nước Nga, theo CNN.

Biển Đông là khu vực TQ đã và đang triển khai các chính sách hung hăng nhằm bảo vệ yêu sách bành trướng lãnh thổ tại khu vực, nhất là đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 2016, Tòa Trọng tài Quốc tế đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện TQ, kết quả đã bác bỏ tính pháp lý của yêu sách đường chín đoạn.

Tuần này, Mỹ vừa cáo buộc hải quân TQ tiến hành hoạt động “không an toàn và không chuyên nghiệp” gần một rạn san hô bị TQ chiếm đóng trái phép ở biển Đông. Trước đó, một tàu khu trục của TQ đã tiếp cận rất gần với mũi tàu chiến của Mỹ, một hành động được xem là cản trở khi tàu chiến của Mỹ đang di chuyển. Tháng trước, TQ cũng từ chối một tàu chiến của Mỹ cập cảng Hong Kong, đồng thời một quan chức hải quân cao cấp của Mỹ đã hủy cuộc gặp cấp cao với người đồng cấp Mỹ.

Vài tháng trước, Mỹ rút lời mời tập trận chung quy mô lớn với TQ. Hôm 20-9, Mỹ ban hành lệnh trừng phạt đối với Cục Phát triển thiết bị thuộc quân đội TQ và người đứng đầu cơ quan vì mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 và tên lửa phòng không S-400 từ Nga với cơ sở là Đạo luật chống đối thủ Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAASTA).

Kelsey Broderick, chuyên gia các vấn đề châu Á thuộc nhóm nghiên cứu Eurasia (trụ sở tại Washington), nhận định kế hoạch lần này của Mỹ đúng với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6 rằng TQ sẽ phải đối mặt với những “hệ lụy tất yếu to lớn hơn” vì đã quân sự hóa biển Đông. Kelsey Broderick nhận định thêm TQ sẽ xem kế hoạch hoạt động hải quân Mỹ lần này như một động thái khiêu khích nghiêm trọng và có thể sẽ giảm bớt các tương tác về mặt quân sự với Washington.

Mỹ chưa xác nhận thời gian triển khai kế hoạch

Chỉ huy hải quân Mỹ William Kafka, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khẳng định: “Chúng tôi có một loạt kế hoạch dự phòng và các hoạt động đa dạng nhưng sẽ không bình luận về tương lai sắp tới”. Ông Tim Gorman, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương, từ chối đưa ra bình luận về kế hoạch lần này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm