Hai đồng minh thân cận của Chu Vĩnh Khang bị kết án tù

Cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn đã bị tuyên phạt 16 năm tù giam vì hành vi nhận hối lộ, sở hữu khối lượng lớn tài sản không rõ nguồn gốc và lạm dụng quyền lực. 
Tòa án kết luận rằng trong giai đoạn 2004 – 2013, Tưởng Khiết Mẫn đã nhận hối lộ trị giá 14,04 triệu Nhân dân tệ (NDT), lạm dụng quyền lực để làm lợi thông qua các dự án và cất nhắc cấp dưới. 

Tính đến 31-8-2013, tổng tài sản và chi tiêu của cá nhân ông ta và gia đình bị phát hiện vượt quá thu nhập hợp pháp của họ. Tòa án cho biết ông ta đã không thể chứng minh được nguồn gốc của khối tài sản dôi dư này.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành đứng trước vành móng ngựa (ảnh: the Standard) 

Cùng ngày, Lý Xuân Thành, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên, cũng đã bị kết án 13 năm tù. Theo cáo trạng, từ năm 1999 đến năm 2012, Lý Xuân Thành đã nhận hối lộ lên đến 39,8 triệu NDT bằng tiền mặt và tặng phẩm khi đang giữ chức Phó Thị trưởng, Thị trưởng và Bí thư Thành ủy Thành Đô, Bí thư Thành ủy Lô Châu và Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên.

Cả hai đều đã nhận tội và không kháng cáo. 
Được biết, hai nhân vật này đều là đồng minh thân cận của Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bí thư Ủy ban Chính Pháp của Đảng.

Trước đây, Chu Vĩnh Khang từng đảm nhận các chức vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc và Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên.

 Cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn bị xét xử vì các tội danh liên quan đến tham nhũng (ảnh: Sina News)

Theo kết luận của tòa án, Tưởng Khiết Mẫn và Lý Xuân Thành đã thực hiện chỉ đạo của Chu Vĩnh Khang, giúp kẻ khác thu lợi bất chính và gây thiệt hại lớn cho Nhà nước trong thời gian dài.

Tháng 6-2015, Chu Vĩnh Khang cũng đã bị tuyên án tù chung thân vì các tội danh nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và cố ý tiết lộ bí mật Nhà nước. Đây chính là một trong những chính trị gia cao cấp nhất của Trung Quốc bị hạ bệ trong cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra tại nước này.
Các vụ xét xử mới nhất này nằm trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành sau khi lên nắm quyền nhằm loại trừ các quan chức tham nhũng ra khỏi bộ máy quyền lực của đất nước đông dân nhất thế giới này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm