GS Carlyle Thayer: ASEAN nên có lập trường chung về đối ngoại

Mạng chia sẻ tài liệu trực tuyến Scribd (Mỹ) đã đăng bài viết của GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) với nhan đề ASEAN: Tác động mối quan hệ Trung Quốc - Campuchia.

Nhìn lại hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) ở Campuchia, ông nhận định Campuchia đã phá vỡ nghi thức của ASEAN khi để cho Trung Quốc biết dự thảo tuyên bố chung. từ đó Trung Quốc đã phản đối dự thảo nhắc đến tình hình biển Đông, sau đó Campuchia mới từ chối đưa ra tuyên bố chung.

Trước đó, tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 20 vào đầu tháng 4, Campuchia đã giới thiệu đề xuất của Trung Quốc về thành lập “Nhóm chuyên gia và những người có ảnh hưởng” để thảo luận dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Nhóm sẽ bao gồm năm thành viên Trung Quốc và năm thành viên ASEAN.

GS Carlyle Thayer: ASEAN nên có lập trường chung về đối ngoại ảnh 1

Ngày 29-7, đội tàu cá 30 chiếc của Trung Quốc đã trở về cảng Tam Á sau khi đánh bắt trái phép ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: THX

Ông nhận định việc này chỉ làm trì hoãn các cuộc đàm phán chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc về COC.

Ông ghi nhận Trung Quốc có ảnh hưởng đặc biệt đến Campuchia, Myanmar, Lào và Thái Lan vốn đang nhận nhiều khoản vay ưu đãi và viện trợ lớn từ Trung Quốc.

Chính vì vậy tại hội nghị AMM, Campuchia quyết liệt phản đối đưa vấn đề biển Đông vào tuyên bố chung. Myanmar, Lào và Thái Lan không chống đối nhưng không đấu tranh mạnh mẽ. Nhóm vận động tích cực nhất là Philippines, Việt Nam, Indonesia, Singapore và Malaysia.

Theo ông, Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng này để tác động đến Hiệp định tự do thương mại Trung Quốc-ASEAN và quá trình phát triển của tiểu vùng sông Mekong. Tuy nhiên, ông cho rằng ảnh hưởng đó đang vấp phải đối trọng của Mỹ.

Mỹ đang gia tăng ảnh hưởng ở Myanmar. Thông qua Sáng kiến Hạ nguồn Mekong, Mỹ đang hành động để giải quyết lo ngại của các nước ở hạ nguồn Mekong về các dự án đập thủy điện Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã có chuyến thăm lịch sử đến Myanmar hồi năm ngoái và Lào vào đầu tháng 7.

GS Carlyle Thayer cho rằng ASEAN chia rẽ xuất phát từ khác biệt về chiến lược địa-chính trị giữa ba nhóm quốc gia trong ASEAN gồm quốc gia lục địa, quốc gia ven biển và quốc đảo. Tuy nhiên, khác biệt sẽ được khắc phục nếu ASEAN đẩy nhanh thiết lập Cộng đồng An ninh-Chính trị ASEAN và thông qua lập trường chung về đối ngoại trong Hiến chương ASEAN.

Ông nhận định xu hướng ngắn hạn ở khu vực sẽ mang tính tích cực vì ASEAN đã thống nhất được các điểm quan trọng của dự thảo COC và Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng thảo luận COC. Nếu được Trung Quốc và ASEAN thông qua, COC sẽ giúp giảm căng thẳng ở biển Đông.

Tuy nhiên, về lâu dài, tình hình khu vực sẽ không tích cực vì các cơ quan quản lý biển ở Trung Quốc đang tăng cường đóng thêm tàu. Biển Đông sẽ nhanh chóng đông đúc và xung đột quân sự có thể xảy ra do biến cố hoặc tính toán sai trên biển.

Hơn nữa, khi Trung Quốc đẩy nhanh phát triển hạm đội Nam Hải, các nước khác ở Đông Nam Á sẽ chạy đua hiện đại hóa hải quân và số tàu ngầm cũng như tên lửa chống hạm sẽ tăng lên.

Báo Philippine Star (Philippines) ngày 29-7 dẫn nguồn từ Bộ Chỉ huy Tây Philippines cho biết chỉ còn hai tàu cá Trung Quốc neo gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa (Philippines đang chiếm giữ, gọi là đảo Pag-asa). Cách đây hai ngày có đến 20 tàu cá Trung Quốc.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm