Giới phân tích bàn về chuyện Ấn Độ hiện diện ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ South China Morning Post ngày 4-9 dẫn lời giới phân tích cho biết các cuộc tập trận chung của Ấn Độ với nhóm QUAD và các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc phản ánh sự thận trọng ngày càng tăng của nước này.

Tháng trước, Ấn Độ đã cử bốn tàu chiến đến khu vực Đông Nam Á, Biển Đông và tây Thái Bình Dương để tham gia các cuộc tập trận chung với nhóm QUAD (Liên minh quân sự không chính thức giữa Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc) ở ngoài khơi đảo Guam.

Máy bay chiến đấu của Ấn Độ tham gia cuộc tập trậnvới các thành viên nhóm QUAD năm 2020 . Ảnh: AFP

Các tàu chiến cũng tham gia các cuộc tập trận song phương với hải quân Việt Nam, Philippines, Singapore, Indonesia và Úc nhằm tăng cường các cam kết tự do hàng hải.

Cứng rắn để bảo vệ tự do hàng hải

Theo các nhà quan sát, sự hiện diện của quốc gia Nam Á ở Biển Đông được thúc đẩy từ các cân nhắc kinh tế, cũng như mong muốn tham gia cùng các đồng minh trong việc đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc.

Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy - PGS tại ĐH Nalanda (Ấn Độ) cho biết: "Biển Đông nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là một hành lang quan trọng đối với hàng hải thương mại và hải quân".

"Một vùng biển an toàn và ổn định là yếu tố sống còn đối với sự phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế và tăng trưởng thương mại của Ấn Độ" - ông nhận định.

Ông nói rằng sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến Ấn Độ lo ngại. New Delhi cần quyền đi lại không bị cản trở đối với thương mại và tự do hàng hải.

"Dấu ấn của Ấn Độ đang tăng lên và nước này sẽ vẫn ở đó để thắt chặt thêm mối quan hệ với các quốc gia thân thiện. Ấn Độ hiểu rằng họ cần làm việc với đối tác để kết hợp các nguồn lực và khả năng của họ nhằm đối phó với những thách thức đang nổi lên bao gồm sự quyết đoán của Trung Quốc" - ông nói.

Nhưng vẫn giữ lập trường trung lập

Theo một số chuyên gia, dù Ấn Độ duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc sau khi quan hệ hai nước xấu đi sau cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan vào tháng 6-2020, New Delhi vẫn sẽ giữ quan điểm trung lập về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

"Rõ ràng là tình cảm chống Trung Quốc ở Ấn Độ đã rất cao kể từ cuộc xung đột năm ngoái và nước này đang thực hiện các biện pháp để thể hiện sự không hài lòng của mình với Bắc Kinh" - ông Long Xingchun, nghiên cứu viên cấp cao tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh cho biết.

Tuy nhiên, ông dự đoán các tàu Ấn Độ sẽ không đi vào phạm vi 12 hải lý của các đảo tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Theo ông Long, Ấn Độ trung lập về các tranh chấp chủ quyền của các quốc gia khác, và các cuộc tập trận phần nào thể hiện nỗ lực hợp tác của Ấn Độ với Mỹ trong việc ngăn chặn sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Một chuyên gia khác ở Ấn Độ cho biết hải quân nước này đang làm việc với các nước cùng chí hướng để hỗ trợ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, song vẫn sẽ giữ vững quan điểm trung lập.

Theo ông Madhav Nalapat - Phó chủ tịch Nhóm Nghiên cứu Cấp cao Manipal, hỗ trợ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở cho tất cả các quốc gia là quan điểm trung lập và đây là lập trường của Ấn Độ.

"Chỉ có Trung Quốc tin rằng họ nên kiểm soát những gì thuộc về lợi ích toàn cầu ở Biển Đông" -  ông nói.

Theo ông Brahma Chellaney - GS nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi, việc nhanh chóng xây dựng hải quân và chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc đã tạo ra tính cấp thiết mới cho các cuộc tập trận.

Các hoạt động diễn tập quân sự hiện đại bao gồm tác chiến chống tàu ngầm, phối hợp chiến đấu và các kỹ năng đảm bảo an ninh hàng hải. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm