Giải mật điều chưa từng biết về 'chim ăn thịt' F-22

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiêm kích “chim ăn thịt” F-22 Raptor do tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất là một trong những máy bay chiếm ưu thế trên không tốt nhất thế giới. Mẫu tiêm kích hai động cơ này có thể vượt qua hầu hết bất kỳ đối thủ nào trên thế giới. Sức mạnh của F-22 cũng chính là điều đã ngăn mẫu tiêm kích này được bán cho các lực lượng quân sự nước ngoài. Mỹ đã chỉ định tiêm kích F-22 là “không phải để bán”.

Lược sử về F-22 Raptor

Trong giữa những năm 1990, ba nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin, Boeing và General Dynamics đã hợp tác phát triển một máy bay chiến thuật cực kỳ tiên tiến F-22. Mẫu máy bay này dự định thay thế tiêm kích F-15, có khả năng tàng hình, hệ thống điện tử hàng không tích hợp và khả năng cơ động.

Tiêm kích F-22 Raptor của Không quân Mỹ. Ảnh: US Air Force/Business Insider

Chiếc F-22 đầu tiên ra mắt vào ngày 9-4-1997, sau đó đi vào hoạt động năm 2005. Tuy nhiên, những năm sau đó, chương trình gây tranh cãi về chi phí và tính thích hợp của mẫu tiêm kích này trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Sau khi Liên Xô tan rã, những máy bay chiến đấu thế hệ mới của Liên Xô mà F-22 Raptor được dự định thống trị trong các cuộc không chiến không thành hiện thực. Do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định dừng sản xuất F-22. Không quân Mỹ nhận chiếc F-22 cuối cùng vào năm 2012. Chiếc F-22 này lần đầu tham gia chiến đấu hồi tháng 9-2014, khi tiến hành tấn công phối hợp với các tiêm kích và oanh tạc cơ khác ở Syria.

Vì sao F-22 bị cấm xuất khẩu?

Từ năm 1997, Mỹ đã xác định rằng F-22 Raptor không thể được xuất khẩu ngay cả cho các quốc gia đồng minh. Chính phủ Mỹ và nhất là nghị sĩ David Obey lo ngại rằng các công nghệ nhạy cảm và bí mật được trang bị cho F-22 có thể bị các đối thủ của Mỹ phát hiện và thiết kế ngược. Đặc biệt, tính năng tàng hình chỉ có ở F-22 phải đề phòng tránh rơi vào tay kẻ thù.

Đây là lý do chính thức được đưa ra. Tuy vậy, lý do không được nhắc đến được cho là do Mỹ nghi ngờ Israel chuyển giao công nghệ liên quan tới F-22 cho Nga và Trung Quốc. Vì thế Mỹ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu F-22.

Nhu cầu về F-22

F-22 Raptor có tiết diện phản xạ radar nhỏ hơn so với các máy bay hiện đại hơn như F-35. F-22 có vận tốc lớn hơn nhiều nhờ vào hai động cơ phản lực cánh quạt đẩy F119.

Những động cơ này không chỉ mang lại cho F-22 khả năng bay với tốc độ siêu thanh không cần buồng đốt hậu, mà còn cung cấp các đặc tính bay siêu cơ động. Tuy nhiên, F-22 thiếu hệ thống máy tính hiện đại và vật liệu hấp thụ bức xạ tiết kiệm chi phí hơn vốn được tìm thấy trên F-35.

Tiêm kích F-22 bay biểu diễn. Ảnh: TWITTER

Dù vậy, F-22 vẫn đánh bại F-35 trong chiến đấu không đối không. Vì thế, loại tiêm kích này có nhu cầu cao.

Các khách hàng tiềm năng của F-22 bao gồm Israel, Úc, Hàn Quốc, Singapore và Nhật. Những lợi ích tiềm năng đối với ngành công nghiệp quân sự của Mỹ và khả năng tương tác cao hơn với các lực lượng đồng minh có thể là những lý do chính đáng để Washington khám phá khả năng có thể có một biến thể F-22 xuất khẩu.

Việc xem xét này bắt đầu từ năm 2009 khi các nhà lập pháp Mỹ thảo luận về triển vọng Không quân Mỹ nghiên cứu khả năng tồn tại một biến thể F-22 xuất khẩu.

Mỹ từng có kế hoạch rao bán F-22 với giá ngất ngưỡng

Không quân Mỹ đã công bố một bản sao chép ghi chép lại rất chi tiết về nghiên cứu này. Công việc nghiên cứu bắt đầu tháng 12-2009. Nghiên cứu do Ban Chương trình Đặc biệt của Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Không quân về mua sắm dẫn đầu. Các nghiên cứu tương tự diễn ra vào năm 1998 và 2006. Tháng 3-2009, Lockheed Martin còn thực hiện một cuộc đánh giá tính khả thi xuất khẩu nội bộ độc lập.

Nhóm nghiên cứu đã phác thảo một phiên bản F-22 xuất khẩu. Họ rút ra phác thảo này từ cấu hình dự kiến của những chiếc F-22 cuối cùng theo đơn đặt hàng cho Không quân Mỹ. Nhóm nghiên cứu đã cân nhắc về chi phí dựa trên hai khả năng.

Khả năng thứ nhất là việc sản xuất F-22 cho chương trình Bán hàng quân sự cho nước ngoài (FMS) của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ căn cứ theo đơn đặt hàng cuối cùng của Không quân Mỹ. Khả năng thứ hai là dây chuyển sản xuất ngừng hoạt động trong một thời gian và phải khởi động lại.

Bốn tiêm kích F-22 Raptor cất cánh từ căn cứ không quân Kadena (Nhật) bay trên bầu trời Hàn Quốc nhằm đáp trả hành động khiêu khích của Triều Tiên ngày 17-2-2016. Những chiếc F-22 bay cùng bốn tiêm kích F-15 Slam Eagles và F-16 Fighting Falcons của Không quân Mỹ. Ảnh: Airman 1st Class Dillian Bamman/ U.S. Air Force

Phương án thứ nhất ước tính chi phí 8,3 tỉ USD. Phương án này sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí do dây chuyền sản xuất F-22 không cần khởi động lại. Mỗi chiếc sẽ có giá khoảng 165 triệu USD do những hiệu quả khác nhau đạt được từ việc sản xuất liên tục.

Phương án thứ hai giả định việc sản xuất F-22 tạm dừng trong hai năm. Trong trường hợp này, chi phí chương trình sẽ khoảng 11,6 tỉ USD. Ước tính trung bình giá một chiếc F-22 là 232,5 triệu USD. Trong kịch bản này, biến thể F-22 xuất khẩu sẽ được bàn giao 6,5 năm sau khi hợp đồng chính thức được ký.

Các chi phí bổ sung liên quan tới việc đào tạo hoặc yêu cầu hỗ trợ khác mà các quốc gia khách hàng sẽ có ở cả hai phương án đều bị loại khỏi nghiên cứu.

Việc tạo ra một biến thể F-22 có thể xuất khẩu được coi là một nhiệm vụ đầy thách thức. Điều này là do F-22 vốn không được thiết kế để xuất khẩu và sử dụng nhiều công nghệ nhạy cảm.

F-22 Raptor có ít nhất ba nhóm hệ thống mà chính phủ Mỹ chưa bao giờ cho phép rơi vào tay đối thủ, kể cả đồng minh. Bản tóm tắt còn đề cập rằng không có mã nguồn phần mềm hay tài liệu phần mềm nào của F-22 được xuất đi.

Cho đến nay, tất cả nghiên cứu liên quan tới xuất khẩu F-22 vẫn chỉ là nghiên cứu vì các hạn chế đối với việc bán tiêm kích này vẫn còn được áp dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm