Giải mật chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

Đài RT hôm 13-1 đưa tin một số tài liệu về chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - kế hoạch nhằm kiềm chế Trung Quốc trong hơn bốn năm tại vị của Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã được giải mật.

Các tài liệu cho thấy chiến lược của ông Trump đối với Bắc Kinh trong suốt nhiệm kỳ của mình phần lớn đã thất bại và Mỹ không tự tin về khả năng kiềm chế Trung Quốc ở một số khu vực nhất định nếu xảy ra xung đột.

Đồng thời, các tài liệu cũng thể hiện rõ mong muốn của Washington kiềm chế Bắc Kinh trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự, bao gồm bản phác thảo về hành động của Mỹ trong một kịch bản chiến tranh tiềm tàng. 

Tài liệu về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Mỹ muốn có “ưu thế” trong khu vực, tạo ra một đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) cùng hội nhập kinh tế khu vực về phía Mỹ, tranh thủ các đồng minh "chống lại Trung Quốc dưới dạng Bộ tứ và hỗ trợ sự trỗi dậy của Ấn Độ”.

Nỗ lực nhằm tăng cường sự hiện diện kinh tế của Mỹ đã không thành công, phần lớn do các ưu tiên trái ngược nhau của Nhà Trắng. Đồng thời, ý tưởng rằng bằng cách nào đó Mỹ có thể thay thế Bắc Kinh trở lại làm trung tâm kinh tế của khu vực cũng không thành công.

Về mặt quân sự, các tài liệu cho thấy Mỹ đang xem xét khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo hai khía cạnh khác nhau: “chuỗi đảo đầu tiên” và “chuỗi đảo thứ hai”.

Các tài liệu đề cập mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc “thống trị chuỗi đảo đầu tiên” - phạm vi các đảo kéo dài từ Nhật Bản đến Đài Loan và xung quanh Biển Đông - thông qua đường hàng không và đường biển và duy trì quyền tối cao không bị kiểm soát đối với “khu vực bên kia”.

Mỹ thừa nhận rằng Bắc Kinh có thể đã chiếm thế thượng phong ở Biển Đông, biển Hoa Đông và xung quanh Đài Loan, đồng thời đặt mục tiêu kiểm soát "chuỗi đảo thứ hai" trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Dựa trên điều này, có vẻ như Mỹ sẽ nhắm đến mục tiêu đánh bại Trung Quốc trong một cuộc xung đột ngầm thông qua nỗ lực cấm vận hải quân, liên quan đến việc ngăn chặn khả năng tiếp cận của Trung Quốc với đại dương rộng lớn hơn và các điểm hàng hải quan trọng như eo biển Malacca.

Tuy nhiên, bằng cách tăng cường cơ sở hạ tầng trên khắp vùng đất Á-Âu, Trung Quốc đang đa dạng hóa các tuyến đường trong chuỗi cung ứng và giảm bớt sự phụ thuộc vào các khu vực do Hải quân Mỹ kiểm soát.

Các tài liệu được giải mật đã cho thấy quy mô của những thách thức từ Trung Quốc mà Mỹ phải đối mặt. Nhiều mục tiêu trong tài liệu trên như việc duy trì ưu thế quân sự của Mỹ ở châu Á và sáng kiến Bộ tứ có thể sẽ được giữ lại và trở thành khuôn mẫu cho Tổng thống đắc cử Joe Biden, theo RT.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm