Giải mã ‘sự kiên nhẫn’ của ông Biden với Trung Quốc

Trong một bài bình luận đăng trên tờ South China Morning Post hôm 30-1, ông Wang Xiangwei, cựu Tổng biên tập của tờ báo này, nói rằng Washington hiện đang tìm kiếm tư duy mới và cải tiến chính sách để “cài đặt lại” mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Bắc Kinh.

Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trong một buổi họp báo đã cho biết Tổng thống Joe Biden muốn tiếp cận quan hệ với Trung Quốc bằng “sự kiên nhẫn”

Giải mã “sự kiên nhẫn” của ông Biden

Cách tiếp cận này đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi từ các quan chức và nhà phân tích Trung Quốc về ý nghĩa thực sự của “kiên nhẫn”. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Carolyn Kaster/AP

Một số người cho rằng ông Biden cần thời gian để đánh giá toàn diện chính sách Trung Quốc của người tiền nhiệm Donald Trump. 

Những người khác lại tin rằng ưu tiên hiện nay của ông Biden trong 100 ngày đầu nắm chính quyền là kiểm soát đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại quê nhà và hàn gắn đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc. Do đó ông cần thêm thời gian để xây dựng cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc.

Trong thời gian chờ đợi Washington kết thúc quá trình đánh giá, chuyên gia Wang Xiangwei đề xuất Bắc Kinh cũng nên nghiêm túc thực hiện một cuộc đánh giá về các chính sách đối với Mỹ. Cụ thể, liệu Bắc Kinh có nhận ra và rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm của mình đã góp phần tạo nên rạn nứt và đứt gãy trong mối quan hệ Mỹ-Trung hay không.

Điều này thật sự cần thiết cho Bắc Kinh giữa bối cảnh các chính sách và hành vi của nước này vấp phải sự phản kháng đang gia tăng trên trường quốc tế. Như người ta thường nói, mối quan hệ cần sự “vun đắp” từ hai bên.

Chính quyền Biden đã mang đến những cơ hội mà Bắc Kinh cần nắm bắt trong việc cải thiện mối quan hệ với Washington cũng như tăng cường quan hệ với các nước phương Tây và các đối tác thương mại ở châu Á bao gồm Nhật Bản và Úc.

Quả bóng trách nhiệm thuộc về ai?

Bắc Kinh đã công khai nhận mình là bên bị hại và đẩy quả bóng trách nhiệm về phía Mỹ khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 21-1 cáo buộc chính quyền cựu Tổng thống Trump, đặc biệt là cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã “đặt quá nhiều mìn, đốt quá nhiều cầu và phá hủy nhiều con đường trong bốn năm qua”.

Cờ Trung Quốc và cờ Mỹ. Ảnh: Wang Zhao/AFP

Chính quyền ông Trump đã đảo ngược hoàn toàn chính sách can dự, vốn là “sợi chỉ đỏ” định hướng thành công mối quan hệ Mỹ-Trung trong bốn thập niên qua và đẩy hai nước vào con đường đối đầu và cạnh tranh quyết liệt.

Và cũng không ngạc nhiên khi giờ đây Mỹ tin rằng trách nhiệm phải thuộc về Trung Quốc. Nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền mới của ông Biden, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken đã thừa nhận mặc dù họ không hoàn toàn đồng ý các hành động cụ thể của chính quyền ông Trump đối với Trung Quốc nhưng tổng thể, họ ủng hộ lập trường cứng rắn của ông Trump.

Như bà Psaki nói, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã trở nên độc tài hơn ở trong nước và hiếu chiến hơn ở bên ngoài, do đó đã thách thức đáng kể đến an ninh, thịnh vượng và các giá trị của Mỹ.

Kể từ khi lên nắm chính quyền vào cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực một cách đáng kể, theo đuổi các chính sách mạnh mẽ đối với Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, các vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan và Biển Đông liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc, do đó nước này sẽ không “nhân nhượng” trước các phản ứng dữ dội và áp lực ngày càng tăng của quốc tế.

Trung Quốc cần làm gì?

Tuy nhiên, chuyên gia Wang cho rằng Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn nữa để bảo đảm lời nói và hành vi của mình để đạt được các mục tiêu cũng như nhận được sự hiểu biết và tôn trọng từ cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa để nhận được tôn trọng từ cộng đồng quốc tế. Ảnh: Marko Djurica/REUTERS

Thứ nhất, Trung Quốc cần kiềm chế sự kiêu ngạo của mình vào thời điểm bất ổn toàn cầu. Trung Quốc đã thành công trong kiểm soát đại dịch COVID-19 và cơ bản đưa đất nước về trạng thái bình thường khi trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng dương vào năm ngoái. 

Đối lập hoàn toàn với thành công của Trung Quốc, Mỹ vẫn đang chìm trong cơn đại dịch đã giết chết hơn 400.000 người, bên cạnh cạnh đó cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua đã khiến Mỹ tổn thương sâu sắc.

Theo ông Wang, việc các quan chức Trung Quốc tin rằng “phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy giảm” là quá sớm và không có ích gì. Hơn nữa, sự tự tin thái quá có thể dẫn đến sai lầm về chính sách và thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Thứ hai, ông Wang đề xuất Trung Quốc cần tiến hành minh mạch và tăng cường truyền thông về các chính sách và hành vi của mình.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm 26-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ trích sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong công tác xử lý dịch ở giai đoạn đầu vào thời điểm nước này báo cáo ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Vũ Hán vào tháng 12 năm 2019.

Trung Quốc đã kiên quyết phủ nhận việc che đậy thông tin về dịch bệnh và nói rằng Bắc Kinh đã trở thành nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ. Trung Quốc đã cách chức Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc và Bí thư Thành ủy Vũ Hàn, nơi là tâm điểm của các đợt bùng phát dịch COVID-19 ban đầu.

Trung Quốc cũng nên minh bạch hơn về vấn đề Tân Cương sau khi đưa người Duy Ngô Nhĩ vào các “trung tâm đào tạo nghề” mà Bắc Kinh gọi đó là một nỗ lực nhằm giúp người dân nơi đây thoát nghèo và xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Một cơ cở được cho là trại cải tạo dành cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, vào ngày làm việc cuối cùng của chính quyền ông Trump, Ngoại trưởng Pompeo đã khẳng định Trung Quốc phạm tội “diệt chủng và tội ác chống lại loài người”. Chính quyền ông Biden sau đó cũng đã đồng ý với tuyên bố diệt chủng.

Dù vậy, chính quyền Bắc Kinh đã phủ nhận hoàn toàn hành vi ngược đãi và cho biết những trung tâm này đã đóng cửa, toàn bộ người Duy Ngô Nhĩ đã trở lại cuộc sống bình thường.

Theo ông Wang, nếu coi mình là “một cường quốc trỗi dậy”, Trung Quốc cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để tương xứng với vị thế đó. Bắc Kinh phải “mở lòng” với những quan điểm khác nhau ở cả trong và ngoài nước. Việc cổ vũ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi có thể làm mọi người dễ chịu nhất thời nhưng có thể gây hại về lâu dài.

Một ví dụ điển hình là việc các học giả cánh tả Mỹ kêu gọi các trí thức Trung Quốc, bao gồm học giả và các luật sư độc lập, đến sinh sống ở Mỹ vì họ đã chỉ trích các chính sách của chính phủ và thúc giục tái thiết mối quan hệ Mỹ-Trung.

Cuối cùng, ông Wang cho rằng Trung Quốc cũng nên kiềm chế chính sách “ngoại giao chiến lang” và có kỷ luật hơn trong việc phản ứng lại những quan điểm chỉ trích về sự trỗi dậy và ảnh hưởng của nước này với phần còn lại của thế giới, thay vì không chịu đựng với bất kỳ chỉ trích nào như hiện nay.

Thông thường, ngoại giao kiên nhẫn và ôn hòa gặt hái được nhiều lợi ích hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm