Giải mã sự ‘im lặng’ của Paris ngày bầu cử

Ở những sạp báo, không một trang nhất nào có thông tin liên quan đến hai ứng cử viên. Ở trên sóng truyền hình, những hình ảnh thu được chỉ là khung cảnh ở những phòng bỏ phiếu, vài tường thuật bên lề cuộc bầu cử. Còn trên mạng xã hội, những dòng trạng thái “chính trị” cũng vắng hẳn. Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì thế giới từng thấy cách đây chỉ gần nửa năm ở cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi sức nóng của cuộc bầu cử có thể cảm nhận rõ trên khắp các phương tiện truyền thông gần như từng phút, từng giây của ngày bầu cử.

Thật ra sự im lặng này đã được báo trước. Mục L49 Luật Bầu cử Pháp sửa đổi vào năm 2011 quy định “từ lúc 0 giờ vào đêm trước ngày bầu cử, cấm hoàn toàn việc phân phối hoặc lưu hành bản tin, thông tư và các văn bản hoặc phát sóng, sử dụng phương tiện điện tử để truyền thông bất kỳ thông điệp có tính chất tuyên truyền bầu cử”.

Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử tổng thống Pháp 7-5. Ảnh: SUDPRESSE

Như thế, cả hai ứng cử viên lẫn đội ngũ tuyên truyền của họ buộc phải giữ im lặng trong suốt cuối tuần cho đến khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Lệnh cấm do Hội đồng Hiến pháp đưa ra có tác dụng đến cả người dân, khẳng định “không có người dân nào được miễn trừ khỏi những quy định này” nhằm đảm bảo không có bất kỳ tác động nào lên cử tri trong thời gian bầu cử.

Luật Bầu cử Pháp còn quy định cấm việc truyền thông kết quả bầu cử cho đến khi phòng bầu cử cuối cùng  đóng cửa. Như vậy, tất cả phương tiện truyền thông trong nước, kể cả báo chí và mạng xã hội, buộc phải giữ im lặng trong suốt hai ngày cuối tuần diễn ra cuộc bầu cử, ở cả vòng 1 và vòng 2. Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm năm trước, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Pháp đã huy động tới 10 cơ quan chuyên trách chỉ để kiểm tra việc vi phạm luật này. Nếu ai đó vi phạm quy định này, mức phạt sẽ lên tới 3.750 euro.

Như thế, mọi thông tin về cuộc bầu cử sẽ chỉ được công bố rộng rãi và mọi người mới có thể bàn luận trên các phương tiện truyền thông sau 21 giờ tối 7-5 (giờ Paris). Đó có thể xem là một đặc sản của bầu cử ở Pháp, quốc gia có truyền thống đề cao các giá trị bình đẳng. Còn với cử tri Pháp, khi không còn tác động từ truyền thông và mạng xã hội, khoảng thời gian này chính là lúc họ suy nghĩ thật nghiêm túc với quyết định của mình, không chỉ vì tương lai của nước Pháp mà còn vì tương lai của châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm