Giải mã khủng hoảng ngoại giao Qatar

Sáng 5-6 (giờ địa phương), liên tiếp bốn nước đã tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar là Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ai Cập. Các nước này cáo buộc chính phủ Doha hỗ trợ khủng bố. Chỉ vài giờ sau, ba nước khác là Yemen, Lybia và Mandives cũng tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Cô lập Qatar

Sáng 5-6, hãng thông tấn nhà nước của Saudi Arabia là phía đầu tiên tuyên bố quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, lấy lý do nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan”.

Vương quốc này cũng đóng cửa biên giới, cắt đứt mọi thông thương đường không và đường biển với Qatar đồng thời kêu gọi “tất cả các quốc gia anh em và các công ty hành động tương tự”, theo CNN. Tuy nhiên, các tín đồ hành hương từ Qatar đến thánh địa Mecca tại Saudi Arabia vẫn sẽ được nước này tiếp nhận, theo The Guardian. Liên quân chống phiến quân Houthi tại Yemen do Saudi Arabia dẫn đầu cũng tuyên bố chấm dứt nhận sự hỗ trợ từ quân đội Qatar.

Ai Cập sau đó cũng ra tuyên bố đóng cửa không phận và cảng biển đối với Qatar nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia”, theo Reuters. Tuyên bố của Ai Cập cáo buộc Qatar thời gian qua ngày càng có thái độ thù địch đối với chính phủ nước này. Trong khi đó, UAE cũng cấm cửa và yêu cầu công dân Qatar trong vòng hai tuần phải rời khỏi nước mình. Một loạt hãng hàng không của UAE như Emirates, Etihad Airways và Flydubai tuyên bố đóng băng mọi tuyến bay đi và đến Qatar kể từ ngày 6-6.

Các nhà ngoại giao Qatar được cho thời hạn 48 giờ để rời khỏi Bahrain. Đại diện ngoại giao của Bahrain cũng được lệnh từ Bộ Ngoại giao nước này rút khỏi thủ đô Doha với cùng thời hạn. 24 tiếng sau tuyên bố cắt đứt ngoại giao, không phận và cảng biển của Bahrain cũng sẽ chính thức đóng cửa với Qatar.

Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani trong một hội nghị thượng đỉnh tại Riyadh, Saudi Arabia vào ngày 11-11-2015. Ảnh: REUTERS

Ngòi nổ âm ỉ từ lâu

Khối đoàn kết các quốc gia vùng Vịnh duy trì gần 36 năm qua với hạt nhân là Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã tạo sức ảnh hưởng rất lớn trong khu vực. Thế nhưng với sự chia rẽ hiện nay, chỉ còn duy nhất hai nước thành viên của GCC là Oman và Kuwait là chưa đi theo tiếng gọi của Saudi Arabia và giữ quan hệ bình thường với Qatar. Vậy điều gì đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất vùng Vịnh trong nhiều thập niên qua?

Mối quan hệ giữa Qatar và Saudi Arabia từ cuối tháng qua đã gặp sóng gió sau sự cố tin tặc tấn công trang mạng chính phủ Qatar. Tin tặc đã giả danh Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani của nước này đăng tải một loạt các chỉ trích nhắm vào nhiều lãnh đạo các nước vùng Vịnh và kêu gọi giảm căng thẳng với Iran, theo The Guardian. Chính quyền Doha cũng khẳng định có một “chiến dịch truyền thông thù địch nhắm vào Qatar” thời gian qua.

Tuy nhiên, hàng loạt trang tin quốc tế tiếng Ả Rập đều cho rằng Qatar bịa ra câu chuyện tin tặc để chống chế lại những phát biểu “thân Iran” của quốc trưởng nước này. Sự cố truyền thông này đã khiến Saudi Arabia và UAE đồng loạt cấm sóng các hãng tin có trụ sở chính tại Qatar tại nước họ, trong đó có cả hãng Al Jazeera. Ông Gayle Tzemach Lemmon, nghiên cứu viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho rằng “đây là hệ quả của những căng thẳng suốt một tháng qua, với sự cố hãng tin Qatar bị tin tặc tấn công là giọt nước tràn ly”. Các nước vùng Vịnh trong nhiều năm qua đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về mối quan hệ giữa chính phủ Doha với tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), một nhóm bị Ai Cập xem là khủng bố cực đoan. Nhóm MB cũng có lập trường thách thức vị thế lãnh đạo khối Ả Rập của Saudi Arabia và UAE.

Theo ông Gayle Tzemach Lemmon, chuyến công du vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có thể là một trong các yếu tố thúc đẩy khủng hoảng ngoại giao Qatar. “Saudi Arabia cảm thấy được khuyến khích hành động sau chuyến thăm của ông Trump. Chính phủ ông Trump lại có lập trường cứng rắn với Iran, vốn đang được ủng hộ bởi Qatar” - ông Lemmon nhận định. Dù nhiều lần bác bỏ có dính dáng đến những tổ chức cực đoan, Qatar hiện vẫn đang nhà bảo trợ tài chính cho là khu vực dải Gaza kiểm soát bởi nhóm cực đoan Hamas và cũng là nơi tị nạn của cựu quan chức Hamas Khaled Mashaal.

Làm khó Mỹ, Trung Quốc

Căn cứ không quân al-Udeid của Qatar hiện đang là “nhà” của gần 10.000 quân Mỹ và là nơi Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) đóng đô. Hiện chưa rõ mâu thuẫn giữa các quốc gia vùng Vịnh sẽ tác động thế nào đối với những chiến dịch của quân đội Mỹ tại khu vực, đặc biệt đối với cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Các quan chức CENTCOM từ chối bình luận về vụ việc. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã lên tiếng trấn an liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu sẽ không bị tác động. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng kêu gọi các nước khu vực giải quyết những bất đồng và khẳng định Mỹ sẵn sàng giúp đỡ. “Chúng tôi cho rằng việc GCC đoàn kết là rất quan trọng” - ông khẳng định.

Cuộc khủng hoảng này cũng tạo áp lực ngoại giao lên Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn phải chọn phe vì muốn tránh hết mọi xung đột ở Trung Đông và thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trong khu vực. Viễn cảnh Washington chọn đứng về phía Saudi Arabia và UAE cũng có thể làm phức tạp tình hình an ninh khu vực và buộc Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách can dự.

_________________________________

Các động thái này là bất công và dựa trên những tuyên bố và cáo buộc hoàn toàn sai sự thật. Mục đích rõ ràng nhằm áp đặt sự bảo hộ lên đất nước. Đây là những hành động vi phạm chủ quyền của Qatar.

Bộ Ngoại giao Qatar lên án các động thái
của các nước vùng Vịnh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm