G7 quan tâm Trung Quốc và Triều Tiên

Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 (Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Mỹ, Nhật) đã khai mạc ngày 10-4 tại TP Hiroshima, Nhật. Cùng tham dự hội nghị có Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier đến trễ tám tiếng do máy bay Airbus A340 bị vỡ ống xăng nên máy bay bị kẹt lại tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Fumio Kishida chủ trì hội nghị, thông báo chương trình nghị sự trong hai ngày gồm các biện pháp đấu tranh chống khủng bố, an ninh hàng hải và các vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên, Ukraine và Trung Đông.

Ông Fumio Kishida nhấn mạnh: “Tôi mong muốn Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao G7 Hiroshima sẽ gửi đến thế giới một thông điệp hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Đài phát thanh Deutsche Welle (Đức) ghi nhận hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép ở biển Đông và không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao G7 khai mạc ngày 10-4 tại Hiroshima. Ảnh: REUTERS

Ngày 11-4, dự kiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ cùng những người đồng cấp tham dự hội nghị đến Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình Hiroshima để đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử ngày 6-8-1945 khiến 140.000 người chết.

Đây là lần đầu tiên một quan chức chính quyền cao nhất của Mỹ đến thăm Hiroshima.

Euronews đưa tin trả lời báo địa phương Chugoku Shimbun hôm 10-4, ông John Kerry tránh nói đến vấn đề cực kỳ nhạy cảm là xin lỗi hay lấy làm tiếc về vụ Mỹ ném bom nguyên tử.

Khi được hỏi ông có ủng hộ một thế giới không vũ khí hạt nhân hay không, ông John Kerry nhắc lại lời Tổng thống Obama cổ vũ cho mục tiêu như thế (diễn văn tại Praha vào tháng 4-2009) và khẳng định từ lâu Mỹ đã cam kết giải trừ hạt nhân trên toàn cầu.

Ngày 10-4, Tân Hoa xã (Trung Quốc) đã đăng bài viết chỉ trích Nhật đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao G7.

Báo này cho rằng đây là hành động tự đánh giá thấp mình của Nhật nhằm “tạo sóng đánh chìm tàu” và là hành động khiêu khích nhằm tránh né các vấn đề gay gắt hơn.

Tờ báo này tố Nhật ghen tị với đà đang lên của Trung Quốc trong khu vực nên không bỏ qua cơ hội tìm cớ cản trở và Nhật lên án Trung Quốc quân sự hóa biển Đông nhằm kích động phương Tây đối phó Trung Quốc.

Trước đó, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Anh Philip Hammond tại Bắc Kinh hôm 9-4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao G7 ở Nhật không phải dịp để nói về biển Đông. Ông nói Trung Quốc hy vọng Anh không can thiệp vào vấn đề biển Đông.

Theo Reuters, tại cuộc họp báo chiều 1-4, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida sẽ công bố tuyên bố chung của hội nghị, trong đó chắc chắn sẽ nêu lên vấn đề giải trừ hạt nhân và an ninh hàng hải.

Hội nghị được tổ chức để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G7 tại Nhật vào cuối tháng 5. Dịp này sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Obama đến Hiroshima.

Ngày 10-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đến New Delhi trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ trong ba ngày. Phát biểu hôm 8-4 tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, ông đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc cải thiện quan hệ quốc phòng với Ấn Độ. Press TV nhận định Mỹ lạc quan xem Ấn Độ như đối trọng với Trung Quốc, tuy nhiên Ấn Độ giữ quan điểm duy trì quan hệ chặt chẽ với tất cả các nước.

__________________________________

Nga cần phải trở lại nhóm các nước G7 để trở thành nhóm G8 như trước. Tôi mong muốn hình thức nhóm G7 sẽ không kéo dài và chúng ta đã đủ điều kiện để trở lại nhóm G8.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức FRANK-WALTER STEINMEIER

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm