G20, G7 họp khẩn về khủng hoảng nợ

G20, G7 họp khẩn về khủng hoảng nợ ảnh 1

Thị trường chứng khoán Wall Street hiện nay theo biếm họa của PAVEL CONSTANTIN (Romania)

Khẩn trương trao đổi quan điểm

Tiêu điểm

311

tỉ USD dự trữ trái phiếu nước ngoài đang được Hàn Quốc nắm giữ, trong đó trái phiếu chính phủ trị giá khoảng 29,2 tỉ USD.

***

Không có sự thay thế nào (đối với trái phiếu chính phủ Mỹ) có thể tạo ra ổn định và tính thanh khoản như vậy.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc CHOI JONG-KU trả lời hãng tin Reuters

Sáng ngày 7-8, các thứ trưởng Bộ Tài chính các nước G20 đã tổ chức hội nghị từ xa để thảo luận vấn đề nợ công của Mỹ và châu Âu. Trong cuộc họp này, Nhật và Hàn Quốc tuyên bố vẫn tin tưởng vào trái phiếu của chính phủ Mỹ.

Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Jong-ku thông báo với các nước G20 rằng Hàn Quốc sẽ không có thay đổi đột ngột nào về chính sách quản lý dự trữ trái phiếu nước ngoài.

Rạng sáng 8-8, bộ trưởng Bộ Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương các nước G7 cũng sẽ họp từ xa để thảo luận các quan ngại về nợ công của Mỹ và khu vực đồng euro.

Hãng tin AP cho biết các quan chức các nước G7 sẽ thảo luận cách phối hợp hành động giữa ngân hàng trung ương các nước này trước tình hình hiện nay. AP cho rằng nhiệm vụ trọng tâm lúc này của khu vực đồng euro (17 nước) là phải ổn định vấn đề nợ công ở Tây Ban Nha và Ý. Với nền kinh tế có quy mô khá lớn ở châu Âu, hai nước này cần khoản giải cứu không nhỏ.

Vai trò của các ngân hàng trung ương

Nhiều nhà kinh tế nhìn nhận các ngân hàng trung ương là phòng tuyến cuối cùng trong cuộc khủng hoảng nợ công vào lúc này sau khi các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Mỹ không thống nhất được các biện pháp mạnh mà các nhà đầu tư đòi hỏi. Hơn nữa, Quốc hội các nước thuộc khu vực đồng euro đang vào kỳ nghỉ hè nên sẽ trì hoãn việc thực hiện các thay đổi quan trọng đối với quỹ giải cứu khủng hoảng nợ công của khu vực đồng euro (vốn cũng bị trì hoãn).

Với quyền lực phát hành tiền, trong những năm qua, các ngân hàng trung ương đã can thiệp vào thị trường tiền tệ và trái phiếu để kích thích kinh tế đang vật lộn với khó khăn. Chẳng hạn trong tuần qua, Ngân hàng trung ương ở Nhật và Thụy Sĩ đã quyết định bán ra đồng yen và đồng franc Thụy Sĩ để ghìm giá hai tiền tệ này xuống so với đồng đôla Mỹ với hy vọng thúc đẩy xuất khẩu.

Hãng tin Kyodo News (Nhật) cho biết sau cuộc họp, các nước G7 có thể ra tuyên bố chung nhằm trấn an thị trường. Trung Quốc và Nhật, hai nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ, cũng dự định sẽ ra tuyên bố tiếp tục mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ.

Ngân hàng trung ương châu Âu họp

Đêm 7-8, Ngân hàng trung ương châu Âu cũng đã tổ chức họp để xem xét mua lại trái phiếu của chính phủ Ý để khống chế khủng hoảng nợ công ở Ý.

Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron đã có cuộc trao đổi nóng qua điện thoại với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Hai bên nhất trí cần phải hợp tác kiểm soát tình hình chặt chẽ và giữ liên lạc trong những ngày tới.

Về việc chỉ số tín dụng của Mỹ bị hạ bậc, ông John Chambers, Giám đốc kiêm Chủ tịch ủy ban xếp hạng nợ công của Công ty Standard and Poor’s, giải thích quyết định này được đưa ra căn cứ nhiều yếu tố, trong đó có tình trạng bế tắc về giải quyết nợ công ở Quốc hội Mỹ. Ông nói thỏa thuận mà chính phủ Mỹ đạt được về nâng mức trần nợ công và cắt giảm thâm hụt ngân sách vẫn không đủ mạnh để giải quyết vấn đề nợ công.

Ông cảnh báo Công ty Standard and Poor’s có thể hạ bậc tín dụng của Mỹ xuống một bậc nữa trong vòng 6-24 tháng tới nếu Quốc hội Mỹ không cắt giảm chi tiêu thêm 1.600 tỉ USD trong 10 năm tới. Khi được hỏi liệu bao giờ Mỹ có thể lấy lại được mức xếp hạng AAA, ông nói đã có năm nước lấy lại được mức này nhưng phải 9-18 năm.

Ngày 7-8, hãng tin tài chính Bloomberg (Mỹ) dẫn lời tỉ phú Warren Buffett, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Berkshire Hathaway Inc., nhận định rằng Công ty Standard and Poor’s (chuyên xếp hạng tín dụng) đã sai khi hạ bậc tín dụng Mỹ. Theo ông, Mỹ xứng đáng có bậc tín dụng “bốn lần A”. Ông nói ông không bao giờ dựa vào quan điểm của các công ty xếp hạng tín dụng để quyết định mua bán chứng khoán. Trong khi đó, ngày 8-7, Công ty Standard and Poor’s cho biết triển vọng kinh tế Pháp vẫn ổn định trong bối cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu đang lan rộng. Nhận định này có nghĩa trong thời gian ngắn hạn, công ty nêu trên sẽ không có ý định thay đổi mức xếp hạng tín dụng của Pháp. Hiện chỉ số tín dụng của Pháp ở mức AAA.

- Ngày 7-8, hãng tin Bloomberg dẫn lời Cao ủy Tiền tệ và kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Olli Rehn nói rằng Ý cần phải đưa ra các biện pháp cụ thể đối với cam kết mới của nước này trong việc đẩy nhanh cắt giảm thâm hụt ngân sách. Ông nói: “Điều này sẽ giúp củng cố tăng trưởng, bảo đảm việc giảm ngân sách và tăng niềm tin thị trường. Với mức độ nghiêm trọng của tình hình (nợ công) hiện nay, chiến lược như vậy chắc chắn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của hệ thống chính trị”.

Cách đây ba ngày, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi tuyên bố Ý sẽ đẩy nhanh trước kế hoạch việc thắt chặt chi tiêu và cân đối ngân sách để tránh cho đất nước trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.

LÊ LINH (Theo AP, AFP, Bloomberg, Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm