EU siết chặt tài chính công

Các bộ trưởng đã nhất trí thông qua một thỏa thuận chính trị gồm các quy định về siết chặt quản trị tài chính công. Theo thỏa thuận, nước nào bị thâm thủng ngân sách và nợ nần vượt mức cho phép làm ảnh hưởng đến sức mạnh, uy tín đồng tiền chung euro sẽ bị trừng phạt.

Thỏa thuận nêu trên sẽ được 27 nguyên thủ EU ký kết trong hội nghị thượng đỉnh ngày 28 và 29-10 tới. Sau đó, Quốc hội châu Âu sẽ xem xét thông qua. EU hy vọng sẽ áp dụng thỏa thuận vào năm 2011.

Ban đầu Pháp có phần dè dặt, còn Ba Lan, Hà Lan, Phần Lan và Ý phản đối kịch liệt. Chỉ có Đức ủng hộ và Đức đã thuyết phục Pháp cũng như gây áp lực với các nước khác.

Mục đích của thỏa thuận mới nhằm kềm giữ mức thâm thủng ngân sách của các nước trong giới hạn tối đa 3% GDP và giữ nợ nần không vượt quá 60% GDP. Hiện nay, hầu hết các nước EU đều thâm thủng ngân sách vượt các chỉ tiêu trên, đặc biệt nợ nần của Bỉ, Ý và Hy Lạp đã vượt quá 100% GDP.

EU siết chặt tài chính công ảnh 1

EU giải cứu Hy Lạp khi Hy Lạp nợ nần chồng chất. Biếm họa của AREND VAN DAM (Hà Lan).

Về thâm thủng ngân sách, các nước vi phạm sẽ được cho thời hạn sáu tháng để đưa mức thâm thủng về mức 3% GDP cho phép. Nếu quá sáu tháng không đạt được chỉ tiêu này thì sẽ bị phạt.

Các nước phải dự trữ một tài khoản trong ngân hàng để đóng phạt. Nếu bị trừng phạt, khoản tiền này sẽ tự động bị tịch thu. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, các nước bị phạt sẽ không được hưởng lợi từ các quỹ trợ cấp của EU. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt sẽ được ngăn chặn nếu đa số các nước bỏ phiếu phản đối.

EU sẽ thành lập một đội đặc nhiệm gồm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet, Ủy viên Tiền tệ và kinh tế EU Olli Rehn và các bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng euro theo dõi thực hiện biện pháp trừng phạt. EU hy vọng với thỏa thuận mới, trong ba năm tới các nước sẽ đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn tài chính công.

Trong hội nghị ngày 28 và 29-10 tới, các nguyên thủ EU có thể sẽ bàn đến khả năng phạt nặng các nước hiện nay chưa trả được nợ. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí điều này.

Theo quy định cũ, một nước EU bị thâm thủng ngân sách vượt mức 3% GDP chỉ bị phạt khi đa số các nước EU đồng ý. Thực tế điều này chưa từng xảy ra.

Năm 2003, Ủy ban châu Âu không thể trừng phạt khi Pháp và Đức vi phạm luật tài chính công. Từ tiền lệ này, Ủy ban châu Âu cũng khó phạt Hy Lạp dù nước này nợ nần chồng chất.

THIÊN ÂN (Theo BBC, Wall Street Journal, AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm