EU lên tiếng về căng thẳng hiện nay ở biển Đông

Tuyên bố nêu rõ: “Các hành động đơn phương trong những tuần qua tại biển Đông đã dẫn tới những căng thẳng gia tăng và sự suy thoái môi trường an ninh hàng hải, điều này thể hiện một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực”.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tàu Địa chất hải dương 8 của Trung Quốc ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam từ đầu tháng 7 đến ngày 7-8, sau đó rời đi và quay lại vị trí cũ từ ngày 13-8 cho đến nay. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Kiềm chế và tuân thủ UNCLOS

Theo quan điểm của EU, “điều tối quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là phải tự kiềm chế, tiến hành các bước cụ thể hướng tới việc trở lại nguyên trạng, tránh quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”.

“Các bên, nếu thấy hữu ích, cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc phân xử nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền” - tuyên bố nêu rõ.

Nói về vai trò của EU tại khu vực, khối này cho biết EU sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ cho các tiến trình do ASEAN dẫn dắt trong khu vực nhằm thúc đẩy hơn nữa một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, củng cố hợp tác đa phương cũng như sự hợp tác chặt chẽ hơn với các bên thứ ba.

“Chúng tôi kỳ vọng vào một sự hoàn tất nhanh chóng, minh bạch của các cuộc đàm phán về một “bộ quy tắc ứng xử” (COC - PV) có hiệu lực, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý. EU cam kết đối với một trật tự pháp lý về biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải, cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không, vì lợi ích của tất cả quốc gia” - người phát ngôn EU tuyên bố.

EU không thể ngồi yên

Trong tuyên bố của mình, EU không nhắc đến Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyên bố nêu rõ các mô tả thực địa, bao gồm: Các hành động đơn phương gây căng thẳng; đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực. Nhìn trong tương quan các hành động gần đây ở biển Đông cho thấy các bước đi leo thang của Trung Quốc, bao gồm gây hấn và đe dọa Malaysia, Philippines, Việt Nam... đang trở thành mối quan ngại chung của tất cả các nước, bao gồm EU.

EU nói chung và từng thành viên EU nói riêng không có những quyền lợi trực tiếp ở biển Đông. Chính sách của EU về vấn đề biển Đông dường như là không rõ ràng nếu không muốn nói là không có. Chủ yếu EU thông qua các tuyên bố chung của tổ chức này trong việc đưa ra các ý kiến về vấn đề tranh chấp.

Dù vậy, nếu tranh chấp biển Đông căng thẳng, lợi ích của EU có thể bị ảnh hưởng vì hai lý do: Một là các đường vận chuyển tàu chở hàng của EU có thể sẽ chịu phí bảo hiểm cao hơn với những hành trình dài, tốn kém và rủi ro cao hơn; hai là nếu khu vực biển Đông căng thẳng kéo theo quan hệ Mỹ-Trung, hai đối tác quan trọng của EU, căng thẳng, thì việc chọn một trong hai đều mang lại cho EU những tổn thất khó lường.

Một số gợi ý chính sách

Xu hướng giải quyết tranh chấp biển Đông là nhu cầu tất yếu của EU. Một số chuyên gia gợi ý, dự báo EU, thông qua Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), tiếp cận khu vực biển Đông với vai trò là bên trung gian tiến hành nhóm họp và xây dựng lòng tin giữa các bên trong tranh chấp biển Đông, hướng tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa các bên tranh chấp.

Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng điều này trong hoàn cảnh hiện nay sẽ mang tính biểu tượng nhiều hơn ý nghĩa thực tiễn. “Lòng tin” là điều gần như là không thể trong bối cảnh hiện trạng biển Đông đã bị thay đổi trầm trọng và đẩy các bên đến những tình thế không khỏi nghi ngờ lẫn nhau.

Một gợi ý tiếp theo là EU sẽ tiến hành đối thoại với Bắc Kinh về hệ lụy của việc thiếu thượng tôn pháp luật mà biểu hiện là từ chối phán quyết của PCA. Chính sách hay định hướng này, nếu có cũng là bất khả dĩ khi EU không có đủ năng lực hay cơ sở để thuyết phục Bắc Kinh từ bỏ một yêu sách đã hao tốn không biết bao nhiêu thời gian, ngân sách và nhất là yêu sách nằm trong một đại chiến lược hướng ra biển và toàn cầu.

Một giải pháp khả dĩ hơn và cũng có thể được EU áp dụng được các chuyên gia nhắc đến chính là EU tìm cách thiết lập đối thoại với Mỹ và thông qua G7 để truyền tải thông điệp đến Trung Quốc. Dù vậy, trong bối cảnh EU và Mỹ hiện nay đang gặp những diễn biến xấu trong quan hệ (vì ông Trump), việc hợp tác cùng Mỹ để tiến hành các biện pháp chung yêu cầu tính thống nhất cao độ giữa EU và Mỹ là điều không hề dễ. Đó là chưa kể đến quá trình gây áp lực cho Trung Quốc cũng không phải dễ dàng như trên lý thuyết.

Và giải pháp được đề xuất cuối cùng chính là thông qua kênh ASEAN, thúc đẩy các hợp tác sâu rộng về an ninh và thương mại, cùng theo đó là kết nối hai bên thông qua các diễn đàn G7, G20... Mục tiêu là xây dựng nên các cơ chế hợp tác, hỗ trợ ASEAN có thể hiểu và thực thi luật pháp quốc tế hiệu quả để giải quyết tranh chấp; xây dựng các diễn đàn lớn để Trung Quốc và ASEAN cùng ngồi lại tìm kiếm những tiếng nói chung, song song đó dùng các cơ chế kinh tế tạo áp lực với Trung Quốc, yêu cầu tuân thủ luật chơi chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm