EU cần cú hích để thoát khỏi cái bóng Mỹ

Khi quan hệ thương mại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang căng thẳng liên quan đến quả bom chiến tranh thương mại được chính quyền Trump gia hạn thêm một tháng kể từ đầu tháng 5-2018 thì Washington tiếp tục làm tệ đi tình hình quan hệ khối liên minh xuyên Đại Tây Dương bằng việc rút khỏi “Kế hoạch hành động chung toàn diện” (JCPOA), hay còn được gọi nôm na là thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tại sao EU thật sự tức giận?

Quan hệ Mỹ-EU lâu nay vẫn được xét trên hệ quy chiếu Mỹ nằm “kèo trên”, tức có tầm quan trọng và sức ảnh hưởng mạnh hơn khối lục địa châu Âu. Các mức đóng góp tài chính đối với hoạt động của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước giai đoạn ông Trump nhậm chức phần lớn đến từ Mỹ. Giai đoạn những năm 50 của thế kỷ trước, có lúc Mỹ đóng góp đến hơn 75% tổng chi tiêu của liên minh. Tất nhiên, đóng góp này có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một trật tự thế giới do Mỹ điều hành.

Dưới thời Trump, Washington thay đổi cách tiếp cận. Mỹ yêu cầu phải “đóng góp công bằng”, bởi với Trump việc đóng góp nhiều vào NATO không có lợi ích cho Mỹ. Mới đây, trong một cuộc họp nội các với sự góp mặt của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông chủ Nhà Trắng nói thẳng Đức là quốc gia không đóng góp đủ ngân sách cho NATO và nhấn mạnh rằng các nước không góp đủ tiền sẽ bị Mỹ “xử lý”.

Về kinh tế, Mỹ là thị trường lớn của EU, đạt kim ngạch lên đến hơn ngàn tỉ USD. Các căng thẳng thương mại gần đây giữa hai bên có thể hủy hoại nặng nề nền kinh tế EU nếu như quyết định đánh thuế nhôm, thép và áp đặt hạn ngạch nhập khẩu hàng EU của ông Trump có hiệu lực vào tháng tới.

Phía EU chưa bao giờ từ bỏ thiện chí trong việc đàm phán ngân sách đóng góp cho NATO, cũng như thảo luận các giải pháp gia tăng nhập khẩu hàng Mỹ để gỡ quả bom chiến tranh thương mại. EU tuyên bố “sẵn sàng chiến tranh” nhưng luôn mở cửa thảo luận với Mỹ về các khúc mắc trong quan hệ hai bên. Vậy nên điều khiến EU thực sự thất vọng và tức giận chính là trong suốt nhiều thập niên liên minh, Mỹ luôn gạt EU ra khỏi những quyết định quan trọng mà gần nhất là thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Thủ tướng Đức Merkel (trái) và lãnh đạo EU phải tạo ra cú hích để có thể đối trọng chính sách của Tổng thống Trump. Ảnh: DW.COM

Nếu JCPOA thật sự bị đổ vỡ xuất phát từ quyết định của ông Trump, các nền kinh tế EU, đặc biệt là Pháp, Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng trong bối cảnh quan hệ kinh tế EU-Iran đã gia tăng mạnh trong ba năm qua. Không những thế JCPOA còn được xem là biểu hiện hiếm hoi cho thấy EU chí ít cũng có những tác động nhất định lên quyết định của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế hệ trọng như hạt nhân Iran. Quyết định từ bỏ thỏa thuận này một mặt làm tình hình khu vực Trung Đông trở nên căng thẳng, kinh tế EU bị tác động tiêu cực mà trên hết cho thấy sự bất lực của một liên minh gồm nhiều cường quốc trước Washington, khi các hoạt động ngoại giao con thoi của lãnh đạo Pháp, Đức đều vô hiệu trước Trump.

Cách tiếp cận bất cân xứng

Không còn nghi ngờ về sự phẫn nộ của EU với Mỹ từ khi ông Trump nhậm chức. Báo chí châu Âu, đặc biệt là truyền thông Đức, Pháp liên tục đăng tải những bức tranh châm biếm, mỉa mai và chỉ trích chính quyền Trump khi đưa ra nhiều quyết định mà họ cho là đầy bất trắc. Nói như Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã đến lúc EU phải tự đứng bằng chân mình và không còn trông chờ vào đồng minh (là Mỹ).

Câu hỏi đặt ra là “bằng cách nào?”. Những biểu hiện của EU cho đến hiện tại vẫn chưa thể bác bỏ được niềm tin họ cần Mỹ để liên minh hơn là Washington cần đến họ. Jeremy Shapiro phân tích trên tờ Foreign Affairs rằng liên minh xuyên Đại Tây Dương là trụ cột đảm bảo ổn định của châu Âu trong bối cảnh thế giới không ngừng biến động, đồng thời đó còn là nền tảng để EU xây dựng an ninh và thúc đẩy hội nhập. Rõ ràng hợp tác sâu rộng với Mỹ sẽ có lợi hơn rất nhiều so với việc bắt tay với Nga hay Trung Quốc.

Một viễn cảnh xấu về an ninh hay kinh tế có xảy ra, EU sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn trên thực tế. Trong khi Mỹ dưới thời Trump đang rất tự tin rằng an ninh nước Mỹ không cần đến EU và thậm chí đương kim tổng thống Mỹ nhiều lần hàm ý rằng việc từ bỏ EU chẳng qua cũng chỉ là từ bỏ một mối quan hệ đơn thuần, dù rằng Mỹ cần đến EU ủng hộ trong các vấn đề khu vực như Syria, Afghanistan hay trong việc củng cố vị thế toàn cầu của Mỹ.

Mối quan hệ Mỹ-EU đang nghiêng về phía Mỹ khi EU còn quá nhiều hạn chế về sức mạnh. Giới quan sát đã phân tích khi EU thật sự đồng thuận về kinh tế lẫn an ninh thì lục địa này hoàn toàn có thể ngồi lại và nói chuyện sòng phẳng với Washington, đồng thời không ngại các thách thức an ninh từ bất kỳ một quốc gia nào, ngay cả hàng xóm Nga.

Vấn đề nằm ở chỗ bao năm qua Mỹ vẫn chìa tay với EU và nội tại các thành viên EU chưa có sự tin tưởng và thống nhất để xây dựng một “siêu quốc gia” như kỳ vọng. EU sau sự kiện “ly hôn” với nước Anh (Brexit) vẫn loay hoay với mô hình mới, trong đó một số thành viên thà tựa vào Mỹ chứ không đặt niềm tin vào các quốc gia nội khối.

Anh và Pháp chắc chắn còn nhớ đến nỗi uất ức khi Mỹ can dự cuộc chiến của họ tại kênh đào Suez năm 1956; còn Đức vẫn chưa thể bỏ qua nỗi bực tức trước các tiết lộ năm 2015 rằng các cuộc điện đàm của Thủ tướng Merkel đều bị Mỹ nghe lén. Để vượt qua giai đoạn một nước Mỹ “thiếu chắc chắn” dưới thời Trump, EU cần một cú hích. Cú hích đó sẽ không diễn ra nếu EU vẫn giữ suy nghĩ phải tựa vào Mỹ trong xây dựng và thực thi chính sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm