Dứt khỏi Vành đai - Con đường, Úc 'tuyên chiến' với Trung Quốc

Ngày 21-4 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Úc Marise Payne thông báo Canberra đã chính thức rút khỏi bốn thỏa thuận trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc (TQ) mà bà cho là “không phù hợp hoặc gây bất lợi cho chính sách đối ngoại của Úc”, theo tờ The Guardian. 
Hai trong số bốn thỏa thuận bị hủy là một bản ghi nhớ không ràng buộc giữa chính phủ hai bên ký kết năm 2018 và một thỏa thuận do chính quyền bang Victoria của Úc ký riêng với Bắc Kinh năm 2019.
“Việc hủy bỏ các thỏa thuận BRI hoàn toàn tập trung vì lợi ích quốc gia của Úc và nhằm đảm bảo tính nhất quán trong quan hệ đối ngoại của chúng tôi trên toàn nước Úc. Chúng tôi chắc chắn không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào” - bà Payne nhấn mạnh. 
Trung Quốc phản ứng mạnh 
Bà Payne cũng cho hay phía TQ đã được thông báo về việc Úc hủy các thỏa thuận hợp tác BRI ngay trước khi thông tin này được tuyên bố công khai. Tuy nhiên, Đại sứ quán TQ tại Úc sau phát biểu của bà Payne vẫn tổ chức họp báo, tại đó phát ngôn viên của cơ quan này nhấn mạnh việc hủy bỏ thỏa thuận là “một động thái vô lý và khiêu khích mà Úc cố tình thực hiện để chống lại TQ”.
“Chính quyền Canberra không hề có thành ý hàn gắn quan hệ, điều này chắc chắn sẽ làm tổn hại hơn nữa hợp tác song phương. Về lâu dài, chỉ có Úc là bên duy nhất chịu thiệt hại” - phát ngôn viên Đại sứ quán TQ cho hay. 
Trước đó cùng ngày, Phó Đại sứ TQ tại Úc Wang Xining cũng đã lên tiếng nhắc lại và chỉ trích việc Úc cấm tập đoàn công nghệ Huawei tham gia phát triển mạng viễn thông 5G tại nước này. Ông Wang cáo buộc Canberra là bên đầu tiên làm như vậy và đang tìm cách thuyết phục chính quyền các nước khác làm theo.
 Theo hãng tin Reuters, cơ sở pháp lý để chính quyền Canberra hủy bỏ bốn thỏa thuận BRI với TQ nằm ở Luật Quan hệ đối ngoại 2020 của nước này. 
Luật này có nội dung quy định ngoại trưởng cần phải hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận nào giữa các bang và đại học với những chính phủ nước ngoài nếu phát hiện các thỏa thuận này đi ngược lại lợi ích quốc gia.
Canberra đã bắn phát súng hiệu 
Theo hãng tin Bloomberg, hành động của chính quyền Canberra nên được xem xét trong bối cảnh quan hệ Trung-Úc những năm qua tụt dốc không phanh do nhiều bất đồng về kinh tế - chính trị, đặc biệt sau khi Úc là một trong những nước đi đầu trong việc kêu gọi quốc tế mở điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch COVID-19 ở TQ hồi năm ngoái. Kể từ đó, Bắc Kinh đã tiến hành hàng loạt biện pháp đáp trả về thương mại, trong đó việc áp thuế quan lên lúa mạch, rượu vang Úc và cấm Úc xuất khẩu than đá sang nước này.

Phái đoàn ngoại giao Úc (trái) và Trung Quốc (phải) trong một phiên đối thoại song phương ở thủ đô Canberra hồi tháng 6-2018. Ảnh: AP

“Trước những khó khăn như vậy, việc Úc phản kháng bằng việc cắt hợp tác với TQ là điều có thể vào thời điểm hiện tại, thậm chí làm ngay lúc này tôi cho rằng là có phần hơi trễ vì tôi từng nghĩ Canberra đã chấm dứt mọi chuyện ngay từ cuối năm ngoái hoặc đầu năm nay” - GS Nick Bisley thuộc ĐH La Trobe (Úc) nhận xét. 
Trả lời phỏng vấn của đài ABC, ThS Kevin Carrico thuộc ĐH Monash (Úc) nhắc lại việc TQ gần đây liên tục dính phải các lùm xùm liên quan tới cáo buộc vi phạm quyền con người đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cáo buộc vi phạm quyền tự trị của đặc khu hành chính Hong Kong cùng hàng loạt động thái gây hấn, chèn ép các nước khác trên Biển Đông và biển Hoa Đông. 
Nhìn từ góc độ hợp tác thương mại, TQ đang tự phát đi hình ảnh của một đối tác khó có thể tin cậy, sẵn sàng vì quyền lợi của mình mà ảnh hưởng hoặc hy sinh quyền lợi của nước khác. Các hành vi được đánh giá là “bí mật và mờ ám” ở Hong Kong, Tân Cương của Bắc Kinh khi không cho đoàn điều tra quốc tế vào xác minh và liên tục cảnh báo nước khác đừng can thiệp vào chuyện nội bộ TQ cũng không giúp cải thiện hình ảnh này. 
“Những gì TQ đang làm và đang bị cáo buộc hiện tại hoàn toàn đi ngược với tinh thần minh bạch, công khai và đôi bên cùng có lợi của một thỏa thuận thương mại. Việc Canberra ngần ngại cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, gần như toàn bộ phương Tây hiện tại đều đang rất căng thẳng với TQ nên Úc cũng không thể đứng ngoài cuộc” - ông Carrico nói. 
Dù vậy, một số học giả TQ đã lên tiếng cảnh báo khi xé thỏa thuận BRI với TQ thì Canberra nên chuẩn bị hứng đòn đáp trả của Bắc Kinh. 
BRI thường được xem là hiện thân của tham vọng lãnh đạo thế giới của TQ và việc đơn phương hủy thỏa thuận như vậy có thể bị Bắc Kinh xem là “coi thường TQ”. 
“Hành động của Úc có thể xem là phát súng hiệu đầu tiên của phương Tây trong cuộc cạnh tranh quyền lợi sắp tới với TQ. Đây rõ ràng là quyết định đã được Canberra tính toán rất kỹ lưỡng và chắc chắn Bắc Kinh sẽ đáp trả một cách tương xứng” - Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời GS Chen Hon thuộc ĐH Sư phạm Hoa Đông khẳng định.•
 Tàu chiến Úc và Pháp tuần tra chung trên Biển Đông
Tờ Naval News ngày 22-4 đưa tin khinh hạm HMAS Anzac và tàu tiếp liệu HMAS Sirius của hải quân Hoàng gia Úc vừa tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông với tàu sân bay trực thăng LHD Tonnerre và khinh hạm Surcouf của hải quân Pháp. Các tàu này hồi đầu tuần cũng đã tiến hành tập trận chung ở vùng biển thuộc Đông Bắc Ấn Độ Dương. 
Cổng thông tin chính thức của hải quân Pháp có ra thông cáo khẳng định đợt diễn tập giúp hải quân hai nước có thêm cơ hội tác chiến phối hợp, góp phần chung vào nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải. Trong khi đó, trang Facebook chính thức của Bộ Quốc phòng Úc nhấn mạnh tập trận với hải quân Pháp thể hiện cam kết của Úc trong việc hợp tác với các đối tác trong khu vực để giải quyết những thách thức chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm