Đúng giá thị trường và tái định cư

Ngày 11-10, nội các Ấn Độ đã thông qua Chính sách quốc gia về phục hồi và tái định cư năm 2007 để thay thế cho Chính sách quốc gia về tái định cư và phục hồi đối với các gia đình bị ảnh hưởng dự án năm 2003. Chính sách mới sẽ có hiệu lực sau khi đăng Công báo. Chính sách mới được ban hành trước tình hình nhiều nông dân biểu tình sau khi đất đai bị thu hồi để xây dựng đặc khu kinh tế và khu công nghiệp.

Đủ cơ sở hạ tầng

So với chính sách cũ, chính sách mới có nhiều thay đổi có lợi cho người dân. Trước đây, nhà nước có toàn quyền thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp và đặc khu kinh tế, tuy nhiên giá bồi thường đất của nhà nước quá thấp so với thị trường.

Nay, chính sách mới quy định: Công ty xây dựng dự án phải thu mua ít nhất 70% diện tích đất cần cho dự án theo giá thị trường, sau đó nhà nước chẳng những mua 30% diện tích còn lại cũng theo giá thị trường để giao cho công ty lập dự án mà còn bồi thường bổ sung cho toàn bộ diện tích đất người dân bị thu hồi với giá bằng 60% giá thị trường. Quy định này có thể gây khó khăn cho các công ty lập dự án vì người dân sẽ đợi nhà nước thu mua và bồi thường bổ sung chứ không chịu bán đất cho công ty.

Các hộ gia đình bị thu hồi đất còn được hưởng nhiều quyền lợi như được ưu tiên đổi đất có giá trị tương đương trong khu vực nếu quỹ đất của nhà nước còn; ít nhất một người trong gia đình được ưu tiên nhận việc làm trong dự án; được đào tạo nghề nghiệp thích hợp để tự lao động kiếm sống; con em trong gia đình học giỏi được cấp học bổng. Ngoài ra, chính sách mới còn có một quy định đặc biệt: Trợ cấp hàng tháng suốt đời cho những người thuộc diện di dời không có khả năng kiếm sống như người khuyết tật, người nghèo, người mồ côi, quả phụ và người già trên 50 tuổi.

Lập báo cáo thẩm định tác động xã hội

Các công ty phát triển dự án muốn mua đất của dân phải được chính quyền địa phương đồng ý. Trong năm năm, nếu không sử dụng đất, công ty phải trả lại đất. Quy định này nhằm đề phòng tình trạng các công ty đầu cơ đất.

Để bảo đảm minh bạch, chính sách mới bắt buộc công khai thông tin về dự án giải tỏa di dời, tái định cư cùng với tên những người bị di dời và các chi tiết trọn gói về kế hoạch khôi phục cuộc sống. Ủy ban thường trực về khôi phục và tái định cư sẽ được thành lập ở cấp huyện và cấp dự án. Thành phần của Ủy ban gồm cả đại diện của các gia đình bị ảnh hưởng. Chính quyền trung ương sẽ thành lập Ủy ban phục hồi quốc gia giữ vai trò giám sát.

Một trong những mục tiêu của chính sách mới là giảm tối đa việc di dời chỗ ở người dân. Do đó, chính sách mới đề xuất chỉ nên sử dụng tối thiểu đất nông nghiệp hoặc đất sử dụng cho các mục đích khác để phục vụ các dự án và khuyến khích phát triển dự án ở khu vực đất bỏ hoang hoặc đất khô cằn.

Theo chính sách mới, các dự án xây dựng đặc khu kinh tế và khu công nghiệp ảnh hưởng đến từ 400 hộ gia đình ở đồng bằng hoặc từ 200 hộ gia đình ở vùng núi trở lên phải di dời thì phải lập bản thẩm định tác động xã hội để đánh giá tác động xấu của dự án đối với tài sản, cơ sở hạ tầng của cộng đồng dân cư. Các chuyên gia độc lập sẽ kiểm tra bản thẩm định này, sau đó chính quyền địa phương phải có biện pháp chi tiết khắc phục tác động của dự án.

Cũng trong ngày 11-10, nội các Ấn Độ cũng đã thông qua các sửa đổi đối với Luật Thu hồi đất đai (ban hành từ năm 1894) nhằm điều chỉnh luật cho phù hợp với chính sách mới. Tháng sau, dự luật sửa đổi sẽ được đưa ra thảo luận ở Quốc hội.

Chính sách mới cam kết sẽ bảo đảm cơ sở hạ tầng trong khu vực tái định cư gồm giáo dục, chăm sóc y tế, nước sinh hoạt, đường sá, điện, hệ thống vệ sinh, sinh hoạt tôn giáo... Người bị thu hồi đất cũng có thể nhận 20% tiền bồi thường bằng cổ phiếu của công ty phát triển dự án.

LÊ LINH (Theo Times Of India, Indian Express, PIB)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm