"Đụng độ" Mỹ-Trung trên biển: bề nổi của tảng băng chìm

Thành viên một tàu đánh cá Trung Quốc đang sử dụng lưỡi câu sắt nhằm làm thủng một lưới định vị âm thanh của tàu USNS Impeccable hôm 8/3. Quân đội Mỹ cho hay, tàu Impeccable đang tiến hành các hoạt động như thường lệ ở hải phận quốc tế thuộc biển Đông cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 70 dặm về phía nam thì bị 5 tàu của Trung Quốc "quấy rối". (Ảnh AFP)
Thành viên một tàu đánh cá Trung Quốc đang sử dụng lưỡi câu sắt nhằm làm thủng một lưới định vị âm thanh của tàu USNS Impeccable hôm 8/3. Quân đội Mỹ cho hay, tàu Impeccable đang tiến hành các hoạt động như thường lệ ở hải phận quốc tế thuộc biển Đông cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 70 dặm về phía nam thì bị 5 tàu của Trung Quốc "quấy rối". (Ảnh AFP)

Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các nghiên cứu khoa học hàng hải tại một vùng EEZ ngoại quốc chỉ có thể được thực hiện với sự chấp thuận của nước ven biển. Lí do là những hoạt động nghiên cứu như vậy có thể liên quan trực tiếp tới việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên của nước ven biển. Việc nghiên cứu cũng phải được tiến hành vì các mục đích hoà bình.

Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước của LHQ. Mỹ chưa làm điều này mặc dù vẫn nhất quyết rằng phần lớn văn bản này là luật tập tục mang tính ràng buộc.

Trung Quốc khẳng định những gì Mỹ đang xúc tiến phải theo các điều khoản khoa học hàng hải của Công ước LHQ và rằng nước này đã không trao cho Mỹ sự chấp thuận cần thiết.

Tuy nhiên, Mỹ lại phân biệt giữa nghiên cứu khoa học hàng hải đòi hỏi phải có sự cho phép với các cuộc khảo sát quân sự và thủy văn học được đề cập riêng rẽ trong Công ước. Mỹ nhất quyết rằng các hoạt động được đề cập ở vế sau không đòi hỏi sự cho phép và rằng chúng là biểu hiện cho tự do trong ngành hàng hải và "các hoạt động khai thác khác trên biển đúng theo luật pháp quốc tế" được Công ước bảo vệ.

Những người chỉ trích quan điểm này chỉ ra rằng việc thu thập thông tin dù chỉ dùng cho các mục đích quân sự cũng có thể vô tình hoặc cố ý làm lộ các nguồn tài nguyên trong khu vực. Họ cũng biện luận rằng một quốc gia không phê chuẩn Công ước sẽ không có nhiều tín nhiệm để viện dẫn văn bản này theo hướng làm lợi cho mình.

Lập luận của các bên

Nhiệm vụ của tàu Impeccable là sử dụng các lưới định vị âm thanh và siêu âm tần số thấp, cả bị động lẫn chủ động, để phát hiện và theo dõi những hiểm hoạ dưới mặt nước.

Trung Quốc cho rằng việc thu thập thông tin như trên là "sự chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu" và tiếp đó là hăm doạ sử dụng vũ lực - một vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và chắc chắn không phải việc khai thác biển vì mục đích hoà bình như quy định trong Công ước LHQ.

Mỹ phản biện rằng việc thu thập dữ liệu của nước này chỉ đơn thuần mang tính phòng vệ và chắc chắn không phải là một đe doạ sử dụng vũ lực.

Liên quan đến cuộc va chạm mới đây ở biển Đông, Trung Quốc tuyên bố các tàu của họ không tấn công tàu Impeccable mà đơn giản chỉ cố gắng buộc tàu thăm dò quân sự Mỹ chấm dứt việc xâm phạm cái mà Trung Quốc gọi là luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của nước này, và rời khỏi khu vực.

Phía Mỹ biện luận rằng theo Công ước, Trung Quốc phải "tôn trọng thích đáng" các quyền hoạt động và khai thác hàng hải của nước này; và rằng "quấy rối" tàu của Mỹ, đặc biệt là một tàu hải quân có quyền miễn trừ chủ quyền, là vi phạm nguyên tắc tôn trọng luật pháp.

Sự khác biệt giữa các cách phân loại hoạt động khảo sát và nghiên cứu khoa học hàng hải không chỉ xoay quanh mục đích và chủ định thu thập thông tin.

Giá trị kinh tế tiềm năng và tính hữu dụng của các thông tin đối với nước ven biển cần phải được cân nhắc, và sẽ rất khó để biện minh rằng các thông tin quân sự hoặc thuỷ văn học thu thập được hôm nay sẽ không có giá trị gì trong tương lai. Tiêu chuẩn về sự cho phép (của nước ven biển) có thể công nhận cả mục đích của hoạt động và sự thích đáng của các nguồn thông tin thu thập.

Vấn đề thực chất

Tuy nhiên, vấn đề thực sự ở đây tất nhiên là lực lượng hải quân đang mở rộng ngoài khơi của Trung Quốc cũng như căn cứ tàu ngầm quan trọng của họ ở đảo Hải Nam.

Trung Quốc thực sự muốn bảo vệ "các bí mật" của nước này trong khu vực kể cả những hoạt động và khả năng của đội tàu ngầm cũng như hình thái học của đáy biển. Trong khi đó, Mỹ muốn biết càng nhiều càng tốt về các khả năng của tàu ngầm Trung Quốc cũng như khu vực mà họ có thể cần phải tranh đấu vào một ngày nào đó.

Vì vậy, các sự cố như trên nhiều khả năng sẽ còn lặp lại và trở nên nguy hiểm hơn và chúng sẽ không liên quan tới mình Mỹ và Trung Quốc.

Trong thực tế, các hoạt động quân sự và thu thập thông tin tình báo ở các khu vực EEZ có thể ngày càng gây tranh cãi và nguy hiểm hơn. Tại châu Á, viễn cảnh gây xáo trộn này phản ánh các nhu cầu đang thay đổi và ngày càng tăng lên đối với những thông tin tình báo kĩ thuật, các chương trình phát triển vũ khí mạnh mẽ của những nước ven biển, đặc biệt là các khả năng chiến đấu điện tử ngày càng tăng; và sự phát triển rộng khắp các khả năng chiến tranh thông tin.

Hơn thế nữa, phạm vi và quy mô các hoạt động thu thập thông tin tình báo trên biển và trên không của Mỹ có khả năng sẽ mở rộng nhanh chóng trong thập niên tới, bao gồm cả các mức độ và dạng hoạt động chưa từng có tiền lệ trong thời bình.

Những hoạt động này sẽ không chỉ trở nên mạnh mẽ hơn mà nhìn chung sẽ mang tính xâm nhập hơn. Chúng sẽ dấy lên các căng thẳng và những cuộc khủng hoảng thường xuyên hơn. Chúng sẽ gây ra các phản ứng phòng vệ và động thái đáp trả leo thang cũng như dẫn tới sự kém ổn định hơn ở những khu vực bị ảnh hưởng nhất, đặc biệt tại châu Á.

Vì Mỹ không phải là một nước kí kết Công ước LHQ nên vấn đề không thể đưa ra phân xử tại Toà án quốc tế về Luật biển. Do đó, những tranh chấp như thế này có khả năng sẽ được giải quyết thông qua một quá trình lộn xộn và náo loạn, trong đó các nước sẽ bảo vệ quan điểm thông qua nghi thức quốc gia, tiếp đó là các cuộc biểu tình từ những nước bị xâm phạm và cuối cùng là các lượt đàm phán ngoại giao qua lại.

Sớm hay muộn, các bên sẽ đạt được một sự nhất trí thông qua quá trình này. Tuy nhiên, trong lúc đó, các thuỷ thủ, phi công và ngư dân có thể bị thiệt mạng và quan hệ giữa một số nước có thể trở nên căng thẳng. Lí do là những hành động khẳng định quan điểm đơn phương thường dẫn tới các sự cố bạo lực liên quốc gia.

Một giải pháp ít tính đối đầu hơn sẽ là tăng cường đối thoại, các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) và những nỗ lực hợp tác giữa các nước liên quan cũng như cố gắng đi đến một sự thoả thiệp và nhất trí tổng quát. Cuộc đối thoại này có thể mang mục đích phát triển các đường lối chỉ đạo tự nguyện, đã được nhất trí về những hoạt động thu thập thông tin tình báo và quân sự ở các khu vực EEZ nước ngoài. 

Thanh Bình-VNN (Theo Tạp chí kinh tế Viễn đông)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm