Đức từ chối cho Nga tiếp cận lãnh sự ông Navalny

Hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga hôm 3-10 cho biết Đại sứ quán Nga tại Berlin đã nhận được sự từ chối của Bộ Ngoại giao Đức về yêu cầu tiếp cận lãnh sự đối với ông Navalny.

"Không có câu trả lời cho các câu hỏi mà phía Nga đặt ra thông qua đối thoại chính trị hoặc thông qua các kênh ngoại giao. Đại sứ quán Nga tại Berlin đã nhận được sự từ chối của Bộ Ngoại giao Đức về việc hỗ trợ cung cấp quyền tiếp cận lãnh sự ông Navalny" - Bộ Ngoại giao Nga lưu ý.

Ông Navalny được đưa đến bệnh viện địa phương ở TP Omsk ở vùng Siberia vào ngày 20-8 sau khi ngã bệnh trên một chuyến bay từ TP Tomsk đến thủ đô Moscow. Ông bị hôn mê và phải sử dụng máy thở trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Vào ngày 22-8, bệnh nhân này được đưa sang Đức điều trị.

Đại sứ quán Nga ở Berlin, Đức. Ảnh: TASS

Ngày 2-9, Đức cho biết qua kiểm tra các mẫu thử nghiệm của Navalny, các chuyên gia chất độc học của chính phủ nước này đã đưa ra kết luận rằng ông Navalny đã bị ám hại bằng chất độc thần kinh Novichok.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẵn sàng hợp tác toàn diện với Đức. Ông khẳng định không có chất độc nào được phát hiện trong người ông Navalny trước khi chuyển đến điều trị tại bệnh viện Charité ở Berlin.

Hôm 2-10, chính phủ Nga tuyên bố sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào nữa về vụ ông Navalny bị "đầu độc", sau khi nhân vật này cáo buộc “không thể chấp nhận, vô căn cứ và mang tính sỉ nhục” rằng Tổng thống Vladimir Putin đứng sau âm mưu ám hại ông.

Trước đó, chính trị gia Navalny nói với tạp chí Der Spiegel của Đức rằng ông không thấy “lời giải thích nào khác” ngoài việc Tổng thống Putin ra lệnh đầu độc ông vào ngày 20-8 khiến nhân vật này bị hôn mê hơn hai tuần và nằm viện 32 ngày. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến thăm ông trong thời gian điều trị ở bệnh viện Charité, theo hãng tin Reuters.

Bản thân Tổng thống Putin cho đến nay chưa đưa ra phản hồi nào với cáo buộc của ông Navalny, nhưng theo nhật báo Pháp Le Monde, nhà lãnh đạo Nga được cho là đã nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm hôm 14-9 ông Navalny có thể đã tự đầu độc mình bằng chất Novichok.

Ông Macron hôm 28-9 cho biết Nga nên cung cấp thông tin để làm sáng tỏ vụ đầu độc ông Navalny hoặc sẽ phải đối mặt với những hậu quả quốc tế. Trước đó, trong một video phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 22-9, Tổng thống Pháp cũng đã yêu cầu Nga đưa ra lời giải thích "nhanh chóng và hoàn hảo" liên quan đến vụ đầu độc ông Navalny, gọi việc sử dụng vũ khí hóa học là "ranh giới đỏ".

Nga đã bác bỏ mọi sự dính líu với cáo buộc ám hại ông Navalny bằng chất độc Novichok, khẳng định cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bằng chứng phạm tội. Nước này cũng đã tuyên bố chính trị gia đối kháng với Tổng thống Vladimir Putin có thể về nước bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov hôm 2-10 đã từ chối trả lời câu hỏi rằng liệu có an toàn để ông Navalny trở về Nga hay không, vì theo quan chức này, nhân vật đối lập Nga hiện đang làm việc với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), hãng Interfax đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm