Đức: Ông Navalny bị đầu độc bằng một vũ khí hóa học mà Nga có

Các chuyên gia Đức cho rằng thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny đã bị đầu độc bằng một chất độc thần kinh do Liên Xô trước đây phát triển có tên gọi là Novichok, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Ngày 2-9, chính phủ Đức thông báo trong quá trình điều trị cho ông Navalny ở thủ đô Berlin, các nhà khoa học nước này đã tìm thấy chất độc thần kinh Novichok trong cơ thể của ông này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng: "Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà chỉ có chính phủ Nga mới có câu trả lời. Cả thế giới sẽ chờ đợi câu trả lời đó". 

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: REUTERS

Bà Merkel cho biết Berlin "kịch liệt phản đối" việc sử dụng loại chất độc nguy hiểm này. Đức cũng sẽ thảo luận với các đồng minh trong khối NATO để đưa ra các phản ứng chung.

Nga: Các nước không nên chính trị hóa vụ việc của ông Navalny

Ngay sau khi bà Merkel công bố thông tin liên quan tới chất độc thần kinh Novichok, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow chưa nhận được thông báo chính thức từ Berlin về vấn đề này. Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu Đức cung cấp thông tin chi tiết về ông Navalny.

Đồng thời, ông Peskov nhấn mạnh "trước khi bệnh nhân (tức ông Navalny - PV) được đưa sang Berlin, theo tất cả tiêu chuẩn quốc tế, mọi xét nghiệm đã được tiến hành mà không phát hiện bất kỳ chất độc nào", theo hãng tin Sputnik.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết cả chính phủ và các bác sĩ Đức chưa phản hồi ba yêu cầu của phía Nga về việc chia sẻ thông tin liên quan tới tình trạng sức khỏe của ông Navalny. Bà Zakharova nghi ngờ giới chức và các bác sĩ Đức đã bị cấm liên lạc với phía Nga về tình trạng của ông Navalny.

Bà Zakharova cáo buộc Berlin muốn lãng tránh một cuộc điều tra công bằng về cáo buộc ông Navalny bị đầu độc mà chỉ cố tạo ra một lý do để biện minh cho "các biện pháp đáp trả" đã được dàn xếp trước.

Đại sứ quán Nga tại Berlin kêu gọi các nước không chính trị hóa vụ việc liên quan tới ông Navalny mà cần đưa ra các thông tin đúng sự thật. Đại sứ Nga Sergei Nechayev đã bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao Đức nhưng Moscow nói rằng Berlin không đưa ra được những bằng chứng xác đáng về vụ nghi là đầu độc này.

Ngày 20-8, blogger Navalny - nhân vật đối lập hàng đầu ở Nga - đã gặp vấn đề khi bay từ TP Tomsk (vùng Siberia) về thủ đô Moscow. Chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp ở TP Osmk (vùng Siberia) và ông được đưa vào bệnh viện.

Giới chức và các bác sĩ Nga đã tìm thấy chất độc hóa học trên người và quần áo của ông Navalny nhưng loại trừ khả năng ông này bị đầu độc.

Phương Tây chỉ trích, Liên Hợp Quốc từ chối bình luận

Phản ứng trước thông tin từ Berlin về cáo buộc chính trị gia đối lập Nga bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok, Nhà Trắng gọi đây là hành vi "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Mỹ tuyên bố sẽ buộc "những ai ở Nga (liên quan tới vụ việc - PV) phải chịu trách nhiệm", theo hãng tin Reuters

Ông Alexei Navalny được đưa vào bệnh viện Charite (Berlin) hôm 22-8. Ảnh: REUTERS

Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng với việc ông Navalny là đối thủ chính trị hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, không có lý do gì để nghi ngờ về khả năng blogger này bị tấn công bằng Nivochok như thông tin mà Berlin công bố.

Liên minh châu Âu (EU) lên án hành vi sử dụng chất độc thần kinh Novichok bằng "những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể" và kêu gọi Nga điều tra kỹ lưỡng về vụ nghi là ám sát này để đưa những đối tượng liên quan ra trước công lý.

EU nhấn mạnh "việc sử dụng vũ khí hóa học trong bất kỳ trường hợp nào là hoàn toàn không thể chấp nhận được và là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế".

Liên Hợp Quốc từ chối bình luận về cáo buộc mà Berlin vừa công bố. Tuy nhiên, người phát ngôn của tổ chức này, ông Stephane Dujarric nhấn mạnh nếu thông tin trên được xác thực, các cơ quan liên quan nên điều tra kỹ lưỡng về vụ việc.

Một số lãnh đạo phương Tây cũng đã lên tiếng về vấn đề này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trên Twitter rằng: "Thật phẫn nộ khi vũ khí hóa học đã được sử dụng để chống lại ông Navalny. Bây giờ, chính phủ Nga phải giải thích những gì đã xảy ra với ông Navalny. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để đảm bảo công lý được thực thi".

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Francois-Philippe Champagne chỉ trích việc sử dụng vũ khí hóa học là hành vi "hèn hạ và cực kỳ tồi tệ" và kêu gọi Moscow giải thích và xử lý thích đáng những đối tượng hạ độc.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Marcin Przydacz quan ngại trước thông tin ông Navalny bị tấn công bằng chất độc thần kinh Novichok và yêu cầu lời giải thích và các động thái thích đáng từ Nga.

Novichok là một nhóm chất độc thần kinh mà phương Tây cho rằng đã được quân đội Liên Xô sản xuất trong thập niên 1970 và 1980. Mỹ và châu Âu cáo buộc Nga vẫn còn sử dụng loại vũ khí hóa học này.

 Năm 2018, Anh cáo buộc Nga đã dùng Novichok đầu độc cựu điệp viên (hai mang) Sergei Skripal và con gái ông này ở thành phố Salisbury (Anh). Cả hai đều may mắn không bị thiệt mạng. Nga bác bỏ cáo buộc này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm