Đông Nam Á chạy đua tiêm vaccine chặn biến thể Delta

Khu vực Đông Nam Á đang oằn mình trong làn sóng biến thể Delta, với các con số nhiễm, chết đáng ngại mỗi ngày. Các nước Đông Nam Á đều đang trong cuộc đua với thời gian để tăng tốc phủ sóng tiêm chủng cho 650 triệu dân khu vực, mong chặn được biến thể có độc lực mạnh và khả năng lây lan nhanh này, theo báo Strait Times.

Tăng tốc tiêm chủng

Với hơn 3,5 triệu ca nhiễm và mỗi ngày ghi nhận thêm hàng chục ngàn ca nhiễm, Indonesia là tâm dịch ở Đông Nam Á nói riêng và ở châu Á nói chung. Số người chết đã vượt qua mốc 100.000 người từ tuần trước. Tại Indonesia, hiện hơn 18% dân số đã được tiêm đủ hai mũi. Hồi tháng 7, chính phủ Indonesia cho biết sẽ cố gắng tiêm cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.

Số ca nhiễm mỗi ngày ở Philippines vẫn đang trên đà tăng, với hơn 12.000 ca ngày 11-8 (mức cao nhất trong vòng bốn tháng qua) và 154 người chết trong ngày này. Theo hãng tin Reuters ngày 11-8, hàng loạt điểm tiêm chủng ở thủ đô Manila hoạt động liên tục 24/24 giờ để tăng tối đa tốc độ tiêm vaccine cho người dân. Tính tới ngày 11-8, Philippines tiêm đủ hai mũi cho hơn 10% dân số 110 triệu người. Mục tiêu của Philippines là tiêm chủng đầy đủ hai mũi cho 70% dân số trước cuối năm nay.

Người dân Indonesia đi tiêm chủng tại Jakarta. Ảnh: REUTERS

Vaccine là phao cứu sinh nhưng chỉ vaccine thôi chưa đủ mà việc thực hiện các biện pháp y tế công cộng ngăn lây nhiễm cũng quan trọng không kém.

TS POONAM KHETRAPAL SINGHGiám đốc WHO phụ trách 11 nước Nam Á và Đông Nam Á 

Thái Lan hiện mỗi ngày ghi nhận tầm 20.000 ca nhiễm và khoảng 230 ca tử vong, với thủ đô Bangkok là tâm dịch. Đáng ngại, nhiều chuyên gia nhận xét rằng Thái Lan vẫn chưa lên đến đỉnh dịch. Bối cảnh này buộc Thái Lan phải tìm mọi cách tăng tốc tiêm chủng. Theo thông tin từ Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul ngày 11-8, hiện khoảng 25% dân số 66 triệu người nước này đã được tiêm một liều, 6,8% được tiêm đủ hai liều.

Malaysia mở hàng loạt điểm tiêm vaccine cũng như triển khai một lượng lớn xe tải đi tiêm di động. Tiến độ tiêm vaccine của Malaysia khá khả quan nếu so với mặt bằng chung khu vực, hiện nước này đã tiêm một liều cho gần 50% dân số 32 triệu dân. Tuy nhiên, Malaysia vẫn đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ có thể và Thủ tướng Muhyiddin Yassin tự tin rằng đến cuối năm nước này sẽ có được miễn dịch cộng đồng.

Campuchia huy động quân đội tiêm chủng cho dân số 16 triệu người. Tỉ lệ tiêm ở Campuchia rất ấn tượng, hiện 8,6 triệu người (hơn 50% dân số) được tiêm ít nhất một liều, 6,4 triệu người đã được tiêm hai liều. 99% của hơn 2 triệu người trưởng thành ở thủ đô Phnom Penh đã được tiêm. Lào cũng đang đẩy mạnh tiêm chủng với mục tiêu tiêm đủ 50% dân số hơn 7 triệu người vào cuối năm nay. Nước có số dân được tiêm chủng nhiều nhất Đông Nam Á là Singapore, với khoảng 70% dân số đã được tiêm đủ hai liều.

Trở ngại và nỗ lực

Dù ý chí chủ quan tăng tốc tiêm chủng nhưng hầu hết các nước đều gặp thách thức chung: Thiếu nguồn cung vaccine, hạn chế trong bảo quản vaccine và hạ tầng tiêm, cả tâm lý sợ tiêm và không tin vaccine.

Hai loại vaccine của Trung Quốc, một của Sinovac và một của Sinopharm, là các loại vaccine chính được sử dụng trong chương trình tiêm chủng ở nhiều nước Đông Nam Á lúc đầu. Hiện bên cạnh hai loại vaccine này, các nước khu vực đã đưa thêm một số loại vaccine của các hãng dược phương Tây vào chương trình tiêm chủng, như AstraZeneca (Anh), Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức), Moderna (Mỹ). Tuy nhiên, tình hình chung lúc này là nguồn cung vaccine của các nước rất ít ỏi so với nhu cầu.

Thực tế này gây nhiều khó khăn với Indonesia. Tỉ lệ lây lan của biến thể Delta ở Indonesia khá cao cứ 10 người nhiễm thì có thể lây cho 65 người khác. Để đạt được miễn dịch cộng đồng thì Indonesia sẽ phải cần một lượng rất lớn vaccine, đủ tiêm cho 154% dân số nếu sử dụng vaccine của Sinovac, hoặc đủ tiêm cho 128% dân số nếu sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech, hãng tin Bloomberg dẫn tính toán khoa học.

Philippines cũng chịu tình trạng tương tự. Để phần nào giải quyết khó khăn về nguồn cung vaccine, trong ngày 11-8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Philippines (FDA) cho biết đã phê duyệt đưa vào sử dụng khẩn cấp vaccine Hayat-Vax được sản xuất tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Giám đốc FDA Rolando Enrique Domingo nói với Reuters rằng vaccine Hayat-Vax giống hệt vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) và sẽ được tiêm cho những người từ 18 tuổi trở lên.

Bên cạnh chuyện khan hiếm vaccine thì thực tế không sẵn sàng tiêm chủng cũng khá nghiêm trọng. Tổng thống Rodrigo Duterte từng đe dọa sẽ sử dụng kim tiêm dùng tiêm cho heo để tiêm cho những người chần chừ không chịu đi tiêm chủng. Nhận thức của người dân Philippines có biến chuyển trong vài tháng gần đây. Thăm dò của Công ty Pulse Asia cho thấy số người Philippines sẵn sàng tiêm vaccine tăng lên 43% trong tháng 6, so với chỉ 16% hồi tháng 2.

Thái Lan cũng đang gặp khó về nguồn cung, dù thông báo sẽ nhận 32,5 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech trong năm nay. Reuters dẫn lời phó phát ngôn chính phủ Thái Lan - bà Ratchada Thanadirek ngày 11-8 cho biết nước này sẽ đưa vào thử nghiệm trên người hai loại vaccine dạng xịt mũi vào cuối năm nay. Hai loại vaccine này do Trung tâm quốc gia về kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học phát triển, được cho là có khả năng chống chọi biến thể Delta. Giai đoạn thử nghiệm thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3-2022 và mục tiêu là tiến tới sản xuất, sử dụng đại trà vào giữa năm 2022, nếu kết quả suôn sẻ.

Theo TS Poonam Khetrapal Singh - Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách 11 nước Nam Á và Đông Nam Á, vaccine đang chuẩn bị về nhiều để đáp ứng nỗ lực đẩy nhanh phủ sóng tiêm chủng tại các điểm nóng dịch ở khu vực này. Theo TS Khetrapal Singh, các nước khu vực đang phấn đấu để đạt mục tiêu WHO đặt ra là tiêm chủng đầy đủ cho 10% dân số vào cuối tháng 9, 40% vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022.

Bà nhận xét các nước khu vực đang có những nỗ lực chưa có tiền lệ để ngày càng nhiều người tiếp cận được vaccine, nhằm kiềm chế đại dịch càng sớm càng tốt.

WHO sắp cấp phép khẩn cấp vaccine Covaxin của Ấn Độ

TS Mariangela Simao, trợ lý tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vaccine, cho biết dự kiến vào tháng 9 WHO sẽ cấp phép đưa vaccine ngừa COVID-19 có tên Covaxin của Công ty Bharat Biotech (Ấn Độ) vào sử dụng khẩn cấp, theo hãng tin AP.

Covaxin được phép sử dụng tại Ấn Độ, với mức hiệu quả khoảng 78% theo lời nhiều nhà khoa học nước này. Hiện không có nhiều thông tin nghiên cứu về loại vaccine này, tuy nhiên bà Simao cho biết WHO đánh giá vaccine Covaxin “khá tiên tiến”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm