Đồng minh nổi giận, Mỹ nhượng bộ ở Syria

Sau nhiều đồn đoán, Mỹ ngày 17-1 (giờ địa phương) chính thức tuyên bố sẽ duy trì hiện diện lâu dài ở Syria ngay cả sau khi đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Phát biểu tại Viện Hoover thuộc ĐH Stanford (Mỹ) ngày 17-1, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết chiến dịch mới của Mỹ ở Syria sẽ hướng tới hiện diện quân sự dài hạn ở nước này. Theo ông Tillerson, Mỹ sẽ duy trì hiện diện quân sự ở Syria đến chừng nào “các điều kiện quan trọng” được đáp ứng, đó là: đánh bại IS, kết thúc sự cầm quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, kiềm chế ảnh hưởng của Iran ở Syria.

Chính thức tuyên bố ở lại lâu dài

Theo ông Tillerson, Mỹ không thể lặp lại sai lầm tương tự năm 2011, khi đó việc rút quân sớm khỏi Iraq đã tạo điều kiện cho các chân rết của al-Qaeda hồi sinh và trở thành IS. Mỹ cũng đã không hiện diện quân sự ở Libya sau khi NATO không kích lật đổ lãnh đạo Muammar el-Qaddafi. Lần này Mỹ sẽ duy trì hiện diện quân sự ở Syria, tập trung đảm bảo IS không thể hồi sinh.

Ông Tillerson khẳng định Mỹ sẽ ở lại Syria cho đến khi các tổ chức khủng bố IS và al-Qaeda bị đánh bại vĩnh viễn, không còn là một đe dọa với nước Mỹ, không thể tái xuất với lớp vỏ mới. Mỹ cũng muốn đảm bảo Syria không còn là thiên đường cho các nhóm khủng bố trú ẩn, tuyển mộ, thu hút tài chính, huấn luyện, thực hiện tấn công nhắm vào công dân Mỹ ở trong và ngoài nước, cũng như nhắm vào các đồng minh Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Tillerson cho biết Mỹ cần đảm bảo ông Assad chấm dứt cầm quyền “thông qua tiến trình cải cách hiến pháp và qua các cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc giám sát”. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng sự ra đi của ông Assad sẽ “tạo điều kiện cho hòa bình bên trong Syria và an ninh dọc biên giới” với các láng giềng.

Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại một căn cứ quân sự ở thị trấn Reyhanli thuộc tỉnh Hatay giáp biên giới Syria. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại Viện Hoover thuộc ĐH Stanford (Mỹ) ngày 17-1. Ảnh: AFP

Ông Tillerson cũng đề nghị Nga hợp tác thực hiện Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an (HĐBA) mà theo lời ông là một “khung chính trị cho hòa bình và ổn định ở một đất nước Syria thống nhất”. Nghị quyết được HĐBA thông qua năm 2015 kêu gọi mở các cuộc bầu cử tự do và cởi mở ở Syria mà theo ông Tillerson thì sẽ mở đường cho ông Assad từ bỏ quyền lực.

Ngoài ra, một mục tiêu khác của Mỹ ở Syria theo lời ông Tillerson là dẹp bỏ ảnh hưởng của Iran ở Syria. Ông Tillerson khẳng định Mỹ sẽ hiện diện ở Syria đến chừng nào “ảnh hưởng của Iran ở Syria bị thu nhỏ, giấc mơ của Iran về một vòng cung phía Bắc không thành và các láng giềng của Syria được an toàn trước các mối đe dọa xuất phát từ lãnh thổ Syria”.

Dẫu ông Tillerson nhấn mạnh chiến lược tại Syria của chính phủ đương nhiệm khác với cựu Tổng thống Barack Obama, hãng tin RT nhận định sự tương đồng chính sách là không hề nhỏ. Tổng thống Barack Obama cũng từng quyết gửi thêm lực lượng đặc biệt đến Syria để đối phó IS.

Nhượng bộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ ngày 17-1 cũng đã có bước nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu ngày 17-1, Ngoại trưởng Tillerson nói Mỹ nợ Thổ Nhĩ Kỳ lời giải thích khi nói mình ủng hộ thành lập một lực lượng an ninh ở phía Bắc Syria. Ông Tillerson nói bối cảnh đã bị hiểu sai, khẳng định Mỹ sẽ không thành lập một lực lượng an ninh biên giới. Ông Tillerson cho biết đã xác nhận điều này với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Tuyên bố của Mỹ là rất quan trọng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thể im lặng trước bất kỳ diễn biến nào đe dọa biên giới đất nước.

Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ ABDULHAMIT GUL phát biểu ngày 18-1 về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 17-1 cũng ra thông cáo cho biết sẽ không có chuyện thành lập một lực lượng quân đội mới hay một lực lượng biên phòng thông thường ở Syria. Thay vào đó Mỹ sẽ tiếp tục huấn luyện các lực lượng an ninh địa phương ở Syria nhằm tăng cường an ninh cho những người từng bỏ trốn IS được hồi hương, ngăn chặn IS trở lại. Vài ngày trước đó, Mỹ thông báo đang trong giai đoạn đầu thành lập “Lực lượng an ninh biên giới” gồm 30.000 quân để giữ an ninh các khu vực biên giới Syria do người Kurd kiểm soát giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. 15.000 quân sẽ tập hợp từ lực lượng tay súng người Kurd (YPG) thuộc Các lực lượng dân chủ Syria (SDF).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phản đối kịch liệt, tuyên bố chiến dịch tấn công vào TP Afrin thuộc tỉnh Aleppo (Syria) do người Kurd kiểm soát và yêu cầu Mỹ không can thiệp. Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17-1 còn tuyên bố sẽ không ngần ngại động binh trừ khi Mỹ thôi ủng hộ lực lượng tay súng người Kurd.

Trả lời CNN ngày 18-1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này vẫn giữ phương án can thiệp vào hai vùng Afrin, Manbij tại Syria và sự mất niềm tin vào Mỹ đang ngày càng trầm trọng hơn. Ông cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường hợp tác với Nga về vấn đề Syria. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm