Dòng chảy chính trị ở Ấn Độ liệu có đảo chiều?

Ấn Độ đang ở trong những ngày tháng khó khăn. Tuy nhiên, cơ hội thay đổi diện mạo chính trị  để thổi một làn gió mới vào nền kinh tế đang chìm ngập trong lạm phát và suy thoái kéo dài trong nhiều năm qua đang ở trước mắt.

Theo số liệu thống kê cuối tuần trước, cả nước hầu như không có một dấu hiệu phục hồi nào, kể cả sản lượng nông nghiệp trong quý hai. Nền kinh tế lớn thứ ba của châu Á đang chiến đấu với tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1980 đến nay. Tăng trưởng GDP đã giảm một nửa, xuống dưới mức 5% liên tiếp trong hai năm. Sản lượng từ các mỏ khai thác cũng như nhà máy công nghiệp nặng đều giảm 1,5% so với năm trước. Chỉ số tiêu dùng và nhu cầu đầu tư giảm mạnh. Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát trong tháng tư lên đến 8,48%, tăng so 0,17% với  tháng ba.

 Công nghiệp nặng không tìm được hướng đi mới. Ảnh: Reuters

Năm tài chính mới bắt đầu vào tháng tư song đến nay các chính sách mới vẫn còn đang ở chế độ “chờ”. Những bước chuyển thực sự sẽ diễn ra sau khi có kết quả bầu cử tại New Delhi vào 16-5 tới. Từ tháng 4, Tổng tuyển cử đã diễn ra trên cả nước. Đây là cuộc bỏ phiếu lớn nhất trên thế giới, có đến 800 triệu cử tri đi bầu cử trong vòng 6 tuần lễ để chọn ra chính phủ mới.

Thủ tướng Manmohan Singh của Đảng Quốc Đại cầm quyền đang mất dần đi sự ủng hộ của dân chúng, bởi sau hai nhiệm kỳ ông vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào thúc đẩy nền kinh tế. Lần này, ông không tham gia tranh cử mà để Rahul Gandhi, phó chủ tịch đảng Quốc đại, đứng ra lãnh trọng trách. Đối thủ của ông  Rahul Gandhi  là đại diện đảng đối lập Bharatiya Janata (BJP), ông Narendra Modi.

Cuộc chạy đua chính giữa ông Rahul Gandhi (trái) và ông Narendra Modi sẽ có lời đáp vào  ngày 16-5

Giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán quốc gia đã tăng 17% kể từ khi Đảng Bharatiya Janata chính thức bước vào cuộc đua giành ghế cầm quyền ở Ấn Độ. Những lời hứa chắc nịch sẽ đưa nền kinh tế ra khỏi “đêm trường” của ông Modi đã khiến tỉ lệ ủng hộ Đảng BJP tăng cao đáng kể.

Trước mắt, Ấn Độ vẫn phải đối diện với nhiều vấn đề lớn. Điển hình như các khoản nợ xấu khó giải tại các ngân hàng, lạm phát nhiên liệu trong khi năng suất nông nghiệp đang gặp thử thách lớn vì thời tiết diễn biến xấu, nguy cơ hạn hán kéo dài. Trong khi các ngân hàng vừa nặng gánh nợ xấu, các khoản vay tái cơ cấu ngày càng cao cũng vẫn phải dành ưu tiên cho nông nghiệp, ngành mũi nhọn của đất nước.

An Khương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm