Donald Trump đòi trừng phạt kinh tế, đối phó Trung Quốc ở biển Đông

Theo Straits Times, tuyên bố trên được ông đưa ra trong cuộc phỏng vấn ngày 25-3 với tờ New York Times về chính sách đối ngoại nếu trở thành tổng thống Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 100 phút, ông Trump đã trình bày những quan điểm về chính sách đối ngoại với những chi tiết rõ ràng hơn so với những gì ông nêu trong buổi vận động tranh cử trước đó. Ông nói về hàng loạt vấn đề từ an tinh Đông Á tới Syria, IS và mối quan hệ với các đồng minh.

Đáng chú ý, ông Trump tuyên bố rằng nếu ông đắc cử tổng thống Mỹ, ông sẽ dùng thương mại làm vũ khí để chống lại Trung Quốc trước các tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông và thậm chí không loại trừ khả năng đi đến chiến tranh.

Tỉ phú Donald Trump nói rằng cách tốt nhất để ngăn cản các hành động trái phép của Trung Quốc như xây đường băng, triển khai tên lửa tại các đảo, đá ở biển Đông chính là phải đe dọa về mặt kinh tế, đe dọa sự tham gia của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Tỉ phú Donald Trump nói rằng sẽ đe dọa Trung Quốc về mặt kinh tế để đối phó với hành động hung hăng của nước này ở biển Đông. Ảnh: Bloomberg

“Chúng ta có một sức mạnh kinh tế to lớn so với Trung Quốc. Đó chính là quyền lực của thương mại”, tỉ phú Trump nói. Khi phóng viên hỏi liệu ông có sẽ cắt đứt mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc, ông Trump đáp rằng “sẽ dùng thương mại để đàm phán”.

Tuy nhiên, tỉ phú này không đề cập tới khả năng Bắc Kinh trả đũa bằng đòn kinh tế.

Theo ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, tính khó đoán của một tổng thống Mỹ là điều rất quan trọng và ông sẽ không để đối phương hiểu được ông nghĩ gì.

“Tôi không muốn họ biết suy nghĩ thực sự của tôi nhưng tôi có thể tiết lộ rằng chắc chắn tôi sẽ dùng thương mại như một thủ thuật thương lượng” - ông nhấn mạnh.

Cũng liên quan tới những căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông, tỉ phú Trump nói rằng: "Tôi sẽ tiến hành chiến tranh ư? Đó là một câu hỏi tôi không muốn trả lời. Một chính khách sẽ nói: Ồ, tôi sẽ không bao giờ gây chiến, hoặc cũng có thể nói: Ồ, tôi sẽ không tiến hành chiến tranh. Tôi không muốn trả lời vì một lần nữa, chúng ta không thể dự báo trước điều gì".

Miêu tả bản thân là một nhà thương thuyết kỳ cựu, Trump nói ông sẽ "chắc chắn" sử dụng thương mại để bắt Bắc Kinh khuất phục về vấn đề này. Ông nói rằng Mỹ có sức mạnh kinh tế to lớn so với Trung Quốc, tờ Asian Correspondent dẫn lại cuộc phỏng vấn trên cho biết.

Trước đó Trump cho biết ông sẽ áp thuế với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, vì Trung Quốc đang lấy lợi thế của Mỹ.

Tờ The Washington Post ngày 26-3 tóm lại chín điểm trong chính sách đối ngoại của ông Trump:

1. Ông Trump cho rằng Mỹ chẳng phải gánh trách nhiệm bảo vệ các đồng minh. Các nước như Nhật Bản cần phải tự phát triển khả năng răn đe hạt nhân để chống lại mối đe dọa như của Triều Tiên.

2. Theo ông Trump, việc Mỹ can thiệp quân sự tại nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Đông, đã gây ra nhiều vấn đề hơn là giải pháp.

3. Mỹ nên theo đuổi lập trường ngoại giao cứng rắn để thúc ép các nước đồng minh như Ả Rập Saudi phải đưa bộ binh sang đánh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông Trump còn cho rằng Mỹ cần ngừng mua dầu mỏ của Ả Rập Saudi.

4. Về vai trò của Mỹ khi gia nhập NATO, tỉ phú Trump nhấn mạnh rằng Mỹ đã chi vào liên minh này quá nhiều nhưng những gì nhận lại là rất ít.

Ông nói rằng NATO đã lỗi thời và NATO không cân bằng về mặt tài chính đối với Mỹ.

5. "Donald Trump không phải là người biệt lập" - ông nói. Theo tỉ phú Mỹ, ông không phải là một người theo chủ nghĩa biệt lập mà là một người luôn coi nước Mỹ là số 1, là trước nhất.

6.  “Mỹ đưa tiền cho Iran”. Theo The Washington Post, trong cuộc phỏng vấn, tỉ phú Trump cho thấy có vẻ ông không biết rõ về việc Mỹ đang trừng phạt Iran. Khi phóng viên nhắc rằng Iran vẫn đang chịu lệnh cấm vận của Mỹ nên họ không mua trang thiết bị quân sự từ Mỹ, Trump trả lời: “Sao lại có chuyện ngu xuẩn như vậy? Chúng ta đưa tiền cho họ và giờ lại nói ‘Đừng mua máy bay Boeing (của Mỹ), mua máy bay Airbus (của châu Âu) đi’. Thật ngu xuẩn”.

7. Trong cuộc phỏng vấn với The New York Times, ông Trump tỏ ra mâu thuẫn khi nói về giải pháp hai nhà nước tại Israel và Palestine. Trong phần đầu của cuộc phỏng vấn, ông Trump nói ông không chắc có thể có một thỏa thuận lâu dài về giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine. Nhưng sau đó, ông lại nói rằng “về cơ bản là tôi ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho Israel”.

8. Tỉ phú Mỹ không tiết lộ những đầu sách hay bài viết mà ông đọc để có thể hiểu thấu về chính sách ngoại giao.

9. Tỉ phú Trump cũng khẳng định rằng ông không có một tiêu chuẩn chung trong việc đưa binh lính Mỹ ra nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm