‘Đòn tranh thủ’ của ông Vương Nghị ở Malaysia

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị có chuyến thăm Malaysia hai ngày (12 và 13-10), trong khuôn khổ chuyến công du dài ngày qua năm nước Đông Nam Á - mà nhiều nhà quan sát gọi là chuyến công du “tấn công quyến rũ” nhằm tranh thủ các nước trong khu vực. Malaysia là điểm đến thứ hai sau Campuchia. Sau Malaysia, ông Vương sẽ sang Thái Lan rồi tới Lào, sau đó sang Singapore.

Ngày 13-10, họp báo chung với Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein sau cuộc gặp, ông Vương đã cho thấy rõ mục đích của TQ thông qua chuyến công du này: Thuyết phục các nước Đông Nam Á “cảnh giác” về “rủi ro trong chiến lược tăng cường cạnh tranh địa chiến lược của Mỹ” ở Biển Đông và các vùng khác trong khu vực.

Ông Vương: Mỹ muốn lập “NATO Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”

Phần lớn thời gian tại cuộc họp báo được ông Vương dành công kích Mỹ. Theo báo South China Morning Post, ông Vương mô tả chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ là một “rủi ro an ninh” với Đông Á. Cụ thể, theo ông Vương, sự hợp tác chiến lược giữa Mỹ với Nhật, Úc và Ấn Độ trong nhóm bộ tứ là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng “NATO (liên minh phòng thủ từ Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Ông Vương cảnh báo nỗ lực này của Mỹ sẽ hủy hoại nghiêm trọng sự ổn định của khu vực. Phát ngôn cứng rắn của ông Vương đến sau cuộc họp các ngoại trưởng nhóm bộ tứ ở Tokyo tuần trước.

Theo ông Vương, mục đích của Mỹ là lan rộng trạng thái chiến tranh lạnh và kích động sự đối đầu giữa các nhóm, các khối khác nhau để kích thích cạnh tranh địa chính trị, nhằm duy trì hệ thống bá chủ và thống trị của Mỹ.

Ông Vương thuyết phục các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên hợp tác với TQ để phá bỏ “sự chia rẽ từ bên ngoài” ở Biển Đông. Theo lời ông Vương thì “Biển Đông không nên trở thành một chiến trường cho các nước lớn đưa tàu chiến đấu nhau”. Phần mình, Ngoại trưởng Malaysia Hussein nêu quan điểm của nước này rằng các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại khu vực.

Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein (phải) tiếp Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 13-10. Ảnh: BERNAMA/DPA

Chọn Trung Quốc hay chọn Mỹ?

Chuyến công du Đông Nam Á của ông Vương đến trong bối cảnh căng thẳng giữa TQ và Mỹ ở Biển Đông ngày càng leo thang và cả hai nước đều đang tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực.

Trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Hussein cũng cho biết TQ có hứa sẽ mua 1,7 triệu tấn dầu cọ của Malaysia đến năm 2023. Lời hứa này rất có ý nghĩa về mặt kinh tế với Malaysia khi dầu cọ nước này những năm gần đây đang chịu sự vận động tẩy chay từ phương Tây. Tại điểm đến đầu tiên Campuchia, ông Vương đã ký Hiệp định thương mại tự do TQ - Campuchia cùng ba văn bản hợp tác khác.

Trước khi thực hiện chuyến công du “tấn công quyến rũ” này, ông Vương đã tiếp Ngoại trưởng Philippines Teodoro L. Locsin Jr. tại tỉnh Vân Nam (TQ). Trong cuộc gặp này, ông Vương đã trấn an ông Locsin Jr. về Biển Đông, rằng TQ và Philippines cần quản lý đúng đắn những khác biệt và tiếp tục gác lại các tranh chấp nhằm tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương.

Biển Đông không phải là một vấn đề, nó là một thách thức chung cần chúng ta giải quyết.

Đại sứ Malaysia tại TQ RAJA NUSHIRWAN ZAINAL ABIDIN 

Trong năm điểm đến của ông Vương trong chuyến công du thì Malaysia được chú ý hơn cả, vì nước này có tranh chấp Biển Đông với TQ. Có vẻ phía TQ đã chuẩn bị, rào đón rất kỹ cho chuyến thăm này của ông Vương.

Ngay trước khi ông Vương sang Malaysia, ngày 12-10, tờ Hoàn Cầu Thời báo đăng bài phỏng vấn Đại sứ Malaysia tại Bắc Kinh Raja Nushirwan Zainal Abidin, làm rõ chủ trương Malaysia trước đối đầu Trung
- Mỹ, quan điểm về Biển Đông.

Mở đầu bài phỏng vấn, Hoàn Cầu Thời báo đã hỏi ngay liệu Malaysia có chọn bên giữa TQ và Mỹ không một khi bị lôi kéo vào đối đầu Mỹ - Trung. Đại sứ Abidin khẳng định “chúng tôi sẽ không chọn bên”, đồng thời cũng nhấn mạnh đến niềm tin của Malaysia vào “luật pháp quốc tế cũng như các nguyên tắc hành xử giữa các nước”, cũng như nói rõ tất cả yếu tố này sẽ quyết định “phản ứng, quan điểm của chúng tôi ở Biển Đông”.

Dường như chưa hài lòng với câu trả lời này, Hoàn Cầu Thời báo vẫn hỏi gặng thêm rằng “nếu căng thẳng Trung - Mỹ xấu thêm thì liệu sẽ khó khăn cho Malaysia khi không chọn bên?”. Đại sứ Abidin thẳng thừng rằng Malaysia cũng như các nước “không phải là những vật cầm cố giữa sự đối đầu của các nước lớn” và ông không đồng ý với cách nghĩ rằng các nước cần phải chọn bên giữa TQ và Mỹ.

Khi được Hoàn Cầu Thời báo đề nghị đánh giá nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông và hậu quả của nó, ông Abidin nói rõ rằng mọi quốc gia có quyền lợi ở Biển Đông phải thừa nhận mình có trách nhiệm phải hành xử theo cách thúc đẩy hòa bình chứ không phải kích động chiến tranh. Ông Abidin nhắc lại rằng Malaysia đã đồng ý với các nước khác, trong đó có cả TQ là sẽ giải quyết tranh chấp Biển Đông qua các kênh ngoại giao.

Trung Quốc vừa thuyết phục vừa làm áp lực với Malaysia

Đây là chuyến thăm Myanmar đầu tiên của ông Vương kể từ năm 2018 và diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai bên đang không suôn sẻ liên quan đến tranh chấp biển.

Mới nhất là vụ Malaysia ngày 9-10 bắt sáu tàu cá và 60 ngư dân TQ với cáo buộc xâm nhập lãnh hải trái phép. Ngày 12-10, TQ đề nghị Malaysia “điều tra công bằng” vụ việc.

Nhà phân tích Ramli Dollah tại Trường ĐH Malaysia Sabah nói với báo BenarNews rằng chuyện Malaysia bắt tàu cá và ngư dân TQ dù hợp pháp vẫn sẽ có rủi ro vì vấn đề này “liên quan đến TQ”. Theo ông, sự cố kiểu này có thể đem lại ảnh hưởng tiêu cực nếu không được quản lý tốt và chuyện Bộ Ngoại giao TQ lên tiếng có thể xem là một cách TQ gây áp lực lên Malaysia.

Ngoài vụ việc này, Malaysia và TQ cũng trong “cuộc chiến công hàm” dai dẳng liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Mới nhất, ngày 29-7, Malaysia gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò vô lý của TQ ở Biển Đông. Công hàm ngày 29-7 của Malaysia nhằm đáp lại công hàm ngày 12-12-2019 của TQ phản đối công hàm cùng ngày của Malaysia nộp lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ. Trong công hàm ngày 12-12-2019, Malaysia đề nghị Ủy ban Ranh giới thềm lục địa LHQ làm rõ và công nhận giới hạn thềm lục địa nước này ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước này ở Biển Đông.

Cũng trong tháng 7, Malaysia nói tàu tuần tra bờ biển và tàu hải quân TQ đã “xâm phạm lãnh hải Malaysia trong khu vực biển tranh chấp” tới 89 lần trong thời gian từ năm 2016 đến 2019, theo Reuters

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm