Đối thoại Mỹ-Trung ở Alaska: Liệu có đạt bước đà cho quan hệ?

Ngày 18-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì của TQ tại TP Anchorage, bang Alaska. Đây là cuộc đối thoại cấp bộ trưởng Mỹ - Trung đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1, trong bối cảnh quan hệ hai bên lao dốc không phanh suốt bốn năm nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump.

Từ trái qua: Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một phiên họp ở Nhà Trắng hồi tháng 2. Ảnh: REUTERS

Nếu có bất kỳ ý nghĩa địa chính trị tích cực nào ở đây, đó là việc Mỹ và TQ đang nói chuyện với nhau và đối thoại vẫn tốt hơn là không đối thoại. Tôi nghĩ phía TQ nhấn mạnh rất nhiều đến sự chuyển dịch tích cực này nhưng Mỹ chưa chắc cùng quan điểm.

Chuyên gia YUN SUNViện Nghiên cứu chính sách Stimson (Mỹ) 

Giới lãnh đạo hai bên nói gì?

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16-3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên hy vọng thông qua cuộc đối thoại lần này hai bên lãnh đạo Mỹ, Trung sẽ có thể hiểu rõ lập trường chính trị và định hướng của nhau, kiểm soát bất đồng không đáng có vì mục tiêu lớn nhất là thúc đẩy quan hệ song phương trở lại quỹ đạo đúng đắn.

Quan điểm ông Triệu nêu ra cũng từng xuất hiện trong bài phát biểu của Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường trong cuộc họp báo sau lễ bế mạc kỳ họp lưỡng hội (Quốc hội và Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân TQ) ngày 11-3. Ông Lý lúc đó khẳng định Mỹ, Trung vẫn còn nhiều để đối thoại và hợp tác, đem lại lợi ích không chỉ cho người dân hai nước mà còn cho toàn thế giới.

“TQ mong muốn tăng cường đối thoại với Mỹ nhưng điều này cần phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại có thể không đạt được nhận thức chung nhất thời thì cũng có thể trao đổi ý kiến, có lợi cho việc kiểm soát và hóa giải bất đồng giữa hai bên” - theo ông Lý.

Về phía Mỹ, phát biểu mở đầu phiên làm việc với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ngày 10-3, Ngoại trưởng Blinken tin tưởng cuộc họp sắp tới sẽ là dịp để Washington trình bày thẳng thắn các vấn đề trong quan hệ với TQ và đưa ra đề xuất để mối quan hệ trở nên tích cực hơn. “Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu xem có con đường hợp tác nào không, và chúng tôi sẽ thảo luận về sự cạnh tranh giữa hai nước để đảm bảo Mỹ có một sân chơi bình đẳng và các công ty cũng như người lao động của chúng ta được lợi từ điều đó” - ông Blinken cho biết.

Trung Quốc nói về “biện pháp đáp trả”

Trước thềm cuộc gặp Mỹ - Trung, chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 17-3 ra thông cáo cho biết sẽ trừng phạt kinh tế với 24 quan chức tại TQ và Hong Kong vì đã “tấn công nền dân chủ” của đặc khu này bằng việc ủng hộ việc thay đổi hệ thống tổ chức bầu cử ở đây, theo đài CNN.

Tại kỳ họp Quốc hội tuần trước, các đại biểu tham dự đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết cải tổ hệ thống bầu cử tại Hong Kong, trong đó trao quyền cho một ủy ban độc lập do Bắc Kinh kiểm soát lựa chọn các ứng viên phù hợp cho cơ quan lập pháp Hong Kong. Ủy ban này cũng có quyền loại bỏ những ứng cử viên không phù hợp.

Trong số các quan chức bị trừng phạt có một số cái tên đáng chú ý là Phó Chủ tịch Quốc hội TQ Wang Chen và thành viên đại diện Hong Kong trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội TQ Tam Yiu-chung.

Phản ứng trước động thái của Mỹ, họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên tuyên bố Bắc Kinh “sẽ có các biện pháp đáp trả tương xứng” để bảo vệ quyền lợi công dân ở Hong Kong, đồng thời yêu cầu Mỹ ngừng can thiệp việc nội bộ của nước này. 

Giới chuyên gia không đặt nhiều kỳ vọng

Có thể nói hiện sự kiện nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận này chỉ nhận được một số ít tín hiệu tích cực từ quan chức lãnh đạo hai nước. Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đều không đưa ra phát ngôn chính thức nào. Giới chuyên gia nhìn chung không đặt nhiều kỳ vọng quan hệ Mỹ - Trung sau ngày 18-3 sẽ có bước tiến triển đáng kể nào.

Theo tờ The Nikkei, khả năng sau cuộc gặp Washington và Bắc Kinh đưa ra được một giải pháp cụ thể giải quyết các mâu thuẫn trên loạt lĩnh vực chính trị, quân sự và kinh tế hiện nay giữa hai nước là rất khó. Theo The Nikkei, “nhìn về tương lai gần Mỹ và TQ có thể sẽ chỉ có thể hợp tác một cách hạn chế trong những thách thức mà hai bên cùng quan ngại như đại dịch hay biến đổi khí hậu, thay vì tái cấu trúc hoàn toàn quan hệ hai nước”. Kịch bản tốt nhất có thể là lãnh đạo hai bên sẽ tận dụng cuộc gặp để phá băng quan hệ sau bốn năm đầy căng thẳng, tạo bước đệm cho các cuộc gặp thường xuyên hơn trong tương lai.

Đồng quan điểm, trả lời phỏng vấn của tờ South China Morning Post, chuyên gia Liu Weidong thuộc Học viện Khoa học xã hội TQ cũng cho rằng cuộc đối thoại trên chỉ nên được xem là cơ hội để mỗi bên quan sát lập trường chính trị của nhau để tìm ra điểm chung, tiến tới xây dựng cách tiếp cận mới. “Tôi không nghĩ rằng lãnh đạo hai bên cũng mong đợi kết quả ngay lập tức. Việc mở được đối thoại trước mắt đã là một thành tựu rất lớn rồi vì tất cả tương tác đã bị tạm dừng khá lâu. Những kỳ vọng khác nên để dành cho những lần tiếp xúc sau” - ông Liu nhận định.

Mặt khác, ông Liu cho rằng chỉ cần nhìn vào các gương mặt đại diện hai nước đến dự họp cũng sẽ phần nào đoán được diễn biến của cuộc họp - căng thẳng hoặc tệ hơn là tranh cãi kịch liệt. Các đại diện Mỹ - ông Blinken và ông Sullivan - lâu nay đều đã thể hiện rõ ràng quan điểm chống TQ mạnh mẽ và sẵn sàng đối đầu trực tiếp để bảo vệ lợi ích Mỹ. Ông Blinken hồi tháng 2 từng cam kết sẽ bắt TQ phải chịu trách nhiệm cho các hành vi gây bất ổn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Sullivan trước khi nhậm chức từng khẳng định trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs do ông là đồng tác giả rằng sức mạnh ngày càng gia tăng của TQ đang làm mất đi sự cân bằng vốn đã mong manh của trật tự châu Á và thúc đẩy tham vọng mở rộng lãnh thổ của Bắc Kinh. Ông kết luận: “Nếu không bị kiềm chế, hành vi của TQ có thể làm ảnh hưởng đến hòa bình khu vực dài hạn”.

Về phía ông Vương Nghị và ông Dương Khiết Trì, hai người này về cơ bản có quan điểm giống nhau là mong muốn nối lại đàm phán với Mỹ dưới thời ông Biden và mở rộng hợp tác song phương trên một số vấn đề nhất định. Tuy nhiên, các nhân vật này vẫn tuyên bố cứng rắn về các vấn đề nhạy cảm như Hong Kong, Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và không muốn Mỹ can thiệp vào.

“Chắc chắn đại diện Mỹ rồi cũng sẽ đề cập đến những vấn đề trên và yêu cầu TQ thay đổi phản ứng bởi chúng nằm trong các trọng tâm chính của xung đột Mỹ - Trung dưới thời ông Trump. Chính quyền ông Biden sẽ không muốn tỏ ra mềm yếu hơn chính quyền người tiền nhiệm. Đại diện TQ trong khi đó sẽ phật ý trước các chỉ trích của phía Mỹ về các vấn đề nước này xem là chuyện nội bộ và sẽ không nhượng bộ. Cuộc họp tới đó coi như thất bại” - ông Liu Weidong dự đoán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm