Đối thoại Hàn Quốc - Triều Tiên: Những điểm then chốt

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin cho biết cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tập trung chủ yếu vào khả năng Bình Nhưỡng gửi phái đoàn tham dự Thế vận hội mùa đông, tuy nhiên những mối quan tâm khác cũng sẽ được quan chức hai nước đem ra thảo luận.

Thế vận hội của “hòa bình”

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha bày tỏ hy vọng rằng việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông ở PyeongChang sẽ là chất xúc tác cho hòa giải và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. “Chính phủ đang thúc đẩy Triều Tiên tham gia Thế vận hội PyeongChang nhằm mục đích cải thiện mối quan hệ giữa hai nước và tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên” - bà Kang phát biểu trước thềm cuộc đàm phán chính thức giữa hai nước diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở biên giới sáng 9-1. “Nếu Triều Tiên tham gia, sự kiện này sẽ trở thành một thế vận hội hòa bình” - bà khẳng định.

Nữ ngoại trưởng Hàn Quốc cũng khẳng định Seoul “đang tập trung mọi nỗ lực” để mở ra khả năng Bình Nhưỡng gửi phái đoàn sang tham dự. Thế vận hội mùa đông dự kiến được tổ chức tại TP PyeongChang, Hàn Quốc từ ngày 9 đến 25-2.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in cũng khẳng định Triều Tiên tham gia vào thế vận hội là biện pháp để xoa dịu những căng thẳng đang leo thang trên bán đảo, sau những vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Ông Moon hy vọng rằng mối quan hệ liên Triều được cải thiện sẽ làm tiền đề hướng đến giải quyết các căng thẳng, mở ra các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Mỹ và Triều Tiên.

Ông Cho Myoung Gyyon, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, người dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc tham dự cuộc đàm phán với quan chức Triều Tiên. Ảnh: AP

Vấn đề đoàn tụ gia đình

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin cho biết phái đoàn đàm phán của Triều Tiên gồm năm người, do ông Ri Son-gwon, Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình liên Triều (CPRK), dẫn đầu. Ông được biết đến là một nhà đàm phán kỳ cựu và từng dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên tham gia nhiều cuộc đàm phán kể từ năm 2006.

Ông Cho Myoung Gyyon, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, người dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc tham dự cuộc đàm phán, khẳng định nước này sẽ tìm cách để đưa vấn đề căng thẳng quân sự và đoàn tụ các gia đình bị chia cắt của bán đảo vào chương trình nghị sự. Cuộc hội ngộ gần nhất là sau cuộc đàm phán giữa chính phủ hai nước vào năm 2015.

“Về cơ bản, hai bên sẽ tập trung vào thế vận hội nhưng khi thảo luận về mối quan hệ liên Triều, chính phủ sẽ tìm cách nêu ra vấn đề các gia đình bị chiến tranh chia cắt và cách để giảm bớt căng thẳng quân sự trên bán đảo” - ông Cho khẳng định. “Chúng tôi sẽ lắng nghe những gì phía Triều Tiên nói, chúng tôi sẽ nỗ lực để nước này tham gia vào thế vận hội” - ông Cho nhấn mạnh thiện chí của Seoul.

Triều Tiên đối thoại trên thế mạnh

Quyết định đàm phán với Hàn Quốc bất ngờ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau nhiều năm cự tuyệt đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về lý do thật sự đằng sau quyết định này. “Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình, do đó tôi nghĩ rằng thời điểm này họ đã sẵn sàng đàm phán, vì nước này đã chứng minh được khả năng hạt nhân có thể tấn công nước Mỹ” - ông Taylor Fravel, giáo sư khoa học chính trị tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế MIT của Mỹ, nhận định.

54,4% trong số 505 người được khảo sát cho biết họ tán thành quyết định của chính phủ về việc hỗ trợ chi phí cho phái đoàn vận động viên và đội cổ động viên Triều Tiên sang Hàn Quốc dự Thế vận hội mùa đông, theo Yonhap

Hồi tháng 11, Bình Nhưỡng tuyên bố có thể tấn công nước Mỹ sau khi phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Hwasong-15 có khả năng bay xa tới 13.000 km. Trước đó, Triều Tiên cũng tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu, cũng là lần mạnh nhất từ trước đến nay của nước này. Ông Fravel tin rằng nội dung chính của cuộc gặp gỡ này là bàn về việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội PyeongChang ở Hàn Quốc. “Điều quan trọng là phải theo dõi xem có cuộc đàm phán thứ hai xảy ra hay không. Chắc chắn một cuộc họp không thể giải quyết được gì nhiều… Chúng ta phải thấy được liệu Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng tiến xa bao nhiêu” - ông nhận định.

Theo Fravel, đã có những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ không có hành động khiêu khích trong thời gian thế vận hội. “Đây vẫn là một sự kiện lớn của bán đảo Triều Tiên, mặc dù do Hàn Quốc tổ chức nhưng với Triều Tiên thì sự thống nhất liên Triều vẫn rất quan trọng” - ông nhận định.

Nhật-Hàn tăng cường hợp tác

Theo Yonhap, các quan chức hạt nhân hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những bất ổn xoay quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông Lee Do-hoon, đặc phái viên về vấn đề an ninh và hòa bình bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc và người đồng cấp Nhật Bản Kenji Kanasugi đã đồng ý duy trì liên lạc và điều phối song phương, đồng thời nỗ lực thúc đẩy Bình Nhưỡng tham gia vào những cuộc đàm phán “có ý nghĩa” trong tương lai.

Trước đó, ông Lee đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản để chia sẻ thông tin về các diễn biến mới, cũng như hội đàm trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông Lee sẽ thăm Mỹ vào ngày 10-1 tới để thảo luận với người đồng cấp Mỹ Joseph Yun về kết quả cuộc đàm phán liên Triều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm