Đối thoại bế tắc, ông Trump lệnh ông Pompeo hủy đi Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24-8 bất ngờ quyết định hủy chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Triều Tiên, lần đầu tiên thừa nhận các nỗ lực của mình nhằm khiến Triều Tiên giải trừ hạt nhân đã không tiến triển kể từ thượng đỉnh Mỹ-Triều.

“Tôi đã yêu cầu Ngoại trưởng Mike Pompeo không sang Triều Tiên vào lúc này, vì tôi cảm thấy chúng tôi không tạo ra được tiến trình đủ nhanh cho mong đợi giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên” - ông Trump viết trên Twitter.

Ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc trong việc tiến trình thương lượng hạt nhân Triều Tiên bị chậm lại.

“Vì quan điểm thương mại cứng rắn của chúng tôi, tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ giúp đỡ tiến trình giải trừ hạt nhân như họ đã từng” - ông Trump viết trên Twitter.

Theo ông Trump, các cuộc đối thoại hạt nhân - do Ngoại trưởng Pompeo dẫn đầu phía Mỹ - nên tạm ngừng lại đến sau khi Mỹ giải quyết cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc hai ngày đối thoại thương mại không kết quả, và hai bên cũng không có kế hoạch sẽ có thêm cuộc đối thoại nào nữa trong tương lai gần.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong một cuộc họp nội các tại Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong một cuộc họp nội các tại Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS

Phát ngôn của ông Trump đến chỉ một ngày sau khi ông Pompeo nói sẽ sang Triều Tiên lần nữa. Reuters dẫn thông tin từ một số quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump đã yêu cầu ông Pompeo không đi trong ngày 24-8, và rồi hai ông cùng soạn thảo các phát ngôn đưa lên Twitter.

“Ngoại trưởng Pompeo mong chờ đến Triều Tiên trong tương lai gần, khả năng lớn là sau khi quan hệ thương mại giữa chúng tôi với Trung Quốc được giải quyết. Trong thời gian này, tôi muốn gửi lời chào trân trọng và ấm áp nhất đến Chủ tịch Kim. Tôi mong sớm gặp ông ấy”.

Ngày 24-8, ông Trump vẫn để mở khả năng có cuộc thượng đỉnh thứ hai với ông Kim - người mà mấy ngày trước ông nói giữa hai người có sự hòa hợp tốt.

Phái bộ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc từ chối bình luận.

Chuyến đi gần nhất của ông Pompeo sang Triều Tiên là vào đầu tháng 7. Nhiều quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ vẫn cho rằng chuyến đi này là vội vàng, rằng viễn cảnh tiến trình đối thoại giải trừ hạt nhân vẫn mờ mịt.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trở về nhà khách Park Hwa ở Bình Nhưỡng sau cuộc gặp với Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, trong chuyến sang Triều Tiên ngày 6-7. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trở về nhà khách Park Hwa ở Bình Nhưỡng sau cuộc gặp với Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, trong chuyến sang Triều Tiên ngày 6-7. Ảnh: REUTERS

Các cuộc đối thoại, thương lượng hạt nhân hầu như đi vào bế tắc kể từ thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore. Ông Pompeo thúc giục Triều Tiên có các bước đi hữu hình từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, trong khi Triều Tiên đòi Mỹ phải có nhượng bộ trước.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Christopher Hill cho rằng “có vẻ ông Trump đã bắt đầu lo lắng về ý định của Triều Tiên”, tuy nhiên cũng đồng tình đây là “một quyết định tốt, nếu không ông Pompeo sẽ trở về tay trắng”.

Trong khi đó, theo bà Kelly Magsamen, cựu phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề châu Á, quyết định mới nhất của ông Trump làm mất thế thương lượng của Mỹ với ông Kim.

Chuyện không phái ngoại trưởng sang vì tiến trình không đủ nhanh thì tốt thôi, nhưng điều đó cũng cho thấy Mỹ mong muốn gặp ông Kim thế nào và sự cản trở của Trung Quốc nghiêm trọng thế nào” - bà Magsamen nói trên Twitter.

Đây là bước chuyển biến bất ngờ khi ông Trump trước đó vẫn tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12-6 tại Singapore giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là một thành công, Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters ngày 20-8, ông Trump còn nói ông tin ông Kim đã có những bước đi cụ thể tiến đến giải trừ hạt nhân, và hai ông “khả năng lớn” sẽ gặp lại lần nữa.

Quyết định của ông Trump đến chỉ vài ngày sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế ra báo cáo nói không thấy có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên chấm dứt hoạt động hạt nhân.

Một cách nhìn khác, Reuters dẫn ý kiến một số nhà phân tích rằng bước đi của ông Trump có thể là một chiêu bài thương lượng. Hồi tháng 5, ông Trump từng tuyên bố hủy thượng đỉnh dự kiến với ông Kim nhưng lại khôi phục tám ngày sau đó.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm