Đối đầu Mỹ - Trung nguy hiểm hơn chiến tranh lạnh Mỹ - Liên Xô

Ngày 22-6, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tuyên bố thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung ký vào tháng 1 “đã kết thúc” do Washington rất bất bình cách Trung Quốc (TQ) xử lý dịch COVID-19, theo đài CNN.

Cùng ngày, trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nói tới đây sẽ có bốn đơn vị truyền thông TQ hoạt động ở Mỹ bị siết chặt quản lý. Các đơn vị này bao gồm Đài truyền hình trung ương TQ (CCTV), Tân Văn Xã, Nhân Dân Nhật BáoHoàn Cầu Thời Báo.

Đây là các diễn biến mới nhất trong chuỗi căng thẳng nguy hiểm của quan hệ Mỹ - Trung. Nhiều ý kiến cảnh báo nếu không có biện pháp giải nhiệt, khó tránh khỏi bùng nổ một cuộc đối đầu với quy mô còn lớn hơn cuộc chiến tranh lạnh Mỹ - Liên Xô hồi thế kỷ 20.

Đối đầu Mỹ - Trung khác gì căng thẳng Mỹ - Liên Xô?

Trong bài viết mới đây trên đài RT, GS quan hệ quốc tế Artyom Lukin thuộc ĐH Liên bang Viễn Đông (Nga) chỉ ra ba diễn biến chính trong mâu thuẫn giữa Mỹ và TQ.

Đầu tiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của TQ trên một loạt lĩnh vực vốn từng là sân nhà của Mỹ như kinh tế, công nghệ, quân sự khiến Washington lo Bắc Kinh đang ngày càng tiệm cận khả năng soán ngôi đầu thế giới của nước này. Thứ hai, quan hệ giữa phương Tây và TQ đang rất phức tạp quanh chuyện đại dịch COVID-19. Thứ ba, sức nóng kỳ bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới đang tạo áp lực buộc Tổng thống Donald Trump phải có hàng loạt động thái rắn với TQ nhằm củng cố vị thế trong mắt cử tri.

Đối đầu Mỹ - Trung thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp hơn khi kỳ bầu cử tổng thống Mỹ đến gần. Ảnh: THE FINANCIAL TIMES

Về cấu trúc an ninh, quan hệ Mỹ - Trung đang dần chuyển mình sau hàng chục năm cạnh tranh toàn diện sang đối đầu tổng lực. Trong khi đó, theo GS Lukin, dù Mỹ và Liên Xô kẹt trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hơn 40 năm, quan hệ hai bên về cơ bản tương đối ổn định và chỉ xảy ra một số diễn biến có thể xếp vào loại đối đầu nguy hiểm như khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Theo ông, toàn cầu hóa yêu cầu các quốc gia phải phụ thuộc lẫn nhau để cùng đạt sự thịnh vượng chung. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này cũng làm gia tăng nguy cơ bùng phát mâu thuẫn nếu các bất đồng trong quá trình hợp tác không được giải quyết ổn thỏa.

Về mặt địa chính trị, chiến tranh lạnh Mỹ - Liên Xô chủ yếu diễn ra ở châu Âu cùng một phần châu Á. Trong khi đó, đối đầu Mỹ - Trung mở rộng ra toàn khu vực Tây Thái Bình Dương. Lợi thế địa chiến lược của Washington và Moscow khi đó được định hình rõ ràng và có giới hạn cụ thể. Ngược lại, đến nay vẫn chưa thể xác định được điểm dừng và lợi thế của đối đầu Mỹ - Trung nằm ở đâu.

Đáng ngại hơn cả, thời gian gần đây Mỹ và TQ đều không ngần ngại điều khí tài quân sự đến hoạt động ngay sát lực lượng của bên kia ở Tây Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Những động thái này về lâu dài sẽ là mồi lửa châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng thật sự với hậu quả không thể lường trước.

Căng thẳng Mỹ - TQ là trường hợp điển hình cho thấy toàn cầu hóa không phải là con đường trải hoa hồng đưa thế giới đến kỷ nguyên hòa bình lâu dài. Thực tế, đây là con dao hai lưỡi có thể khiến quan hệ các quốc gia căng thẳng hơn.

GS ARTYOM LUKIN 

Xung đột ý thức hệ sẽ quay trở lại?

Theo GS Lukin, phần lớn quan điểm vẫn cho rằng đối đầu Mỹ - Trung chủ yếu là về vấn đề tranh giành quyền lực chứ không mang màu sắc xung đột ý thức hệ nhưng diễn biến thời gian qua cho thấy góc nhìn này không còn phù hợp nữa. Đơn cử, Bắc Kinh gần đây đang đẩy mạnh quảng bá mô hình quản trị đủ khả năng thay thế mô hình quản trị của Mỹ và phương Tây. Các giá trị mà Bắc Kinh hiện đang theo đuổi cũng trái ngược hoàn toàn với các giá trị của phương Tây.

“Đây là điểm khá nguy hiểm vì lịch sử cho thấy những cuộc xung đột ý thức hệ, đấu tranh cho những giá trị chung lại có sức tàn phá khủng khiếp. Hiện ông Trump là một vị tổng thống thuần kinh tế nhưng mọi chuyện có thể thay đổi khi một tổng thống khác lên thay” - GS Lukin nhận định.

Ông Joe Biden là một chính trị gia chuyên nghiệp nên chắc chắn sẽ xem trọng vấn đề mâu thuẫn ý thức hệ hơn. Theo GS Lukin, nếu ông Biden đắc cử, khả năng ông sẽ tiếp tục duy trì các chiến lược nhằm đảm bảo vị thế cường quốc số một toàn cầu và có thể sẽ làm gia tăng nguy cơ đối đầu với TQ. Cần nhớ, ông Biden từng phục vụ dưới quyền của cựu tổng thống Barack Obama, người đã tiến hành chiến dịch tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương để kìm hãm ảnh hưởng của TQ.

Lựa chọn của châu Á - Thái Bình Dương

Trong bài viết vào đầu tháng 6 cho tạp chí Foreign Affairs, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiều quốc gia trong khu vực phụ thuộc kinh tế chặt chẽ vào TQ nhưng lại được Mỹ đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị.

Trong bối cảnh rối ren này, các chính phủ cần phải linh hoạt để thay đổi chính sách tiếp cận nhằm tránh thiệt hại, tránh bị dồn về một phía.

“Điều cần thiết là các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương phải ý thức được rằng mỗi cái bắt tay, mỗi thỏa thuận kinh tế đều ẩn chứa một lập trường chính trị. Nếu không cẩn thận, khả năng làm phật ý một trong hai siêu cường trên là rất cao ” - theo Thủ tướng Lý. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm