Đối chiếu giáo dục đại học với Thụy Sĩ: Năm vấn đề của VN

Nền giáo dục Việt Nam ngày nay đã có nhiều thay đổi và chỉnh sửa theo chiều hướng tích cực nhưng thực sự đã cần thiết và đủ chưa?

Nhìn chung, hệ thống giáo dục thế giới đều xoay quanh và nhấn mạnh tầm quan trọng của các môn học căn bản như toán, lý, hóa, văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ. Học sinh Việt Nam được tiếp thu kiến thức các môn học đó từ cấp một đến cấp hai.

Khi bắt đầu vào phổ thông trung học, học sinh học phân ngành theo các khối chuyên môn A, B, C, D. Mục đích nhằm giúp học sinh định ra hướng đi rõ ràng về trường đại học cần lựa chọn và nghề nghiệp tương lai.

Đó sẽ hoàn toàn là một hệ thống rất hợp lý nếu học sinh Việt Nam được tiếp thu và hiểu toàn bộ kiến thức cần thiết chứ không phải học theo cách học vẹt.

Có năm điểm quan trọng mà chúng ta cần phải nhìn nhận rõ:

1) Môi trường học không có nhiều tiến bộ về kỹ thuật, thiếu cơ sở hạ tầng cho sinh viên học tập và phát huy. Sinh viên được đào tạo có thể khá đủ về số nhưng chưa đạt về chất. Ngoài ra, còn rất hiếm các chương trình giao lưu gặp gỡ giữa các ngành học có liên quan đến nhau trong khi gặp gỡ là một cách để trao đổi và nâng cao kiến thức. Tại Thụy Sĩ, những yếu tố trên được đặt ra rất cao và được xem là những yêu cầu cần thiết.

2) Trình độ của giảng viên đại học chưa cao để có thể truyền đạt những kiến thức căn bản và chuyên sâu bộ môn. Theo một số thống kê gần đây, phần lớn giảng viên đại học, thạc sĩ và tiến sĩ ở Việt Nam bị hạn chế hoặc không có khả năng đi sâu chuyên môn cũng như đào sâu hiểu biết về một đề tài cần nghiên cứu.

Tại Thụy Sĩ, những điều trên được tiến hành rất có hiệu quả tại các trường đại học. Ví dụ: Giáo viên toán có thể dạy cả hai môn thống kê và kế toán. Giáo viên bộ môn management (quản lý) có thể đào sâu kiến thức về marketing (tiếp thị). Họ có thể vừa dạy ở trường vừa là manager hay marketer cho một công ty lớn. Giảng viên môn luật cũng là một luật sư.

3) Kỹ năng học hỏi – tranh luận: Sinh viên ở Việt Nam chưa tập cho mình thói quen phát biểu ý kiến, tranh luận giữa sinh viên với sinh viên hay sinh viên với giảng viên. Đây là một điểm yếu rất lớn trong hệ thống giảng dạy của ta. Trên thực tế, đó là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi sinh viên. Họ cần phải đưa ra những nhận định riêng của mình, dù đúng hay sai, để giáo viên và các sinh viên khác cùng bàn luận và đưa ra hướng giải quyết.

4) Kỹ năng giao tiếp luôn là thế mạnh của sinh viên ở Thụy Sĩ. Ở bất cứ một lớp học, một hội nghị hay một buổi giao lưu nào, họ luôn là người đưa ra tiếng nói riêng, suy nghĩ riêng để đi đến một đề tài tranh luận sôi nổi, một yêu cầu cần thiết trong giảng dạy bộ môn hay sự thay đổi trong cái nhìn toàn diện về vốn kiến thức trước và sau. Những điều đó hầu như vắng mặt đối với sinh viên tại Việt Nam.

5) Tính ứng dụng: Học để ứng dụng vào đời sống, một điều tưởng dễ nhưng thực sự rất khó. Yêu cầu: Ta cần biết ứng dụng hợp lý trong mỗi hoàn cảnh, môi trường và luật định của xã hội. Nhìn chung, sinh viên tại Việt Nam trải qua bốn năm đại học chỉ hấp thu kiến thức qua sách vở, học nhiều lý thuyết hơn ứng dụng. Điều đó cũng dễ hiểu vì môi trường học cũng như môi trường sống không tạo nhiều điều kiện cho sinh viên thực hiện những luận án nghiên cứu trên thực tế.

Trái lại, ở Thụy Sĩ nói riêng và các nước châu Âu nói chung, sinh viên có thể áp dụng những hiểu biết cá nhân (xã hội, địa lý, lịch sử, văn hóa, chính trị) vào các cuộc thảo luận, vào các lớp học ở trường. Hơn nữa, trong quá trình giảng dạy, các giáo sư luôn yêu cầu và đánh giá rất cao những chủ đề kết hợp giữa kiến thức và cuộc sống. Từ đó tạo ra nhiều cuộc gặp mặt giữa sinh viên và những người có tên tuổi trong một chuyên ngành nhất định nào đó với mục đích học hỏi, hiểu biết, sống và ứng dụng.

Trong thời gian sắp tới, khi đã đón nhận làn sóng đầu tư của các trường đại học nước ngoài, với những đề xuất giúp phát triển chất lượng giáo dục đại học nêu trên, một Việt Nam phát triển toàn diện về hiểu biết sẽ không còn xa.

ĐỖ NGUYỄN CÁT TIÊN (Cộng tác viên từ Thụy Sĩ)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm