Đô đốc Mỹ: Cần 'sống chung' với Triều Tiên có hạt nhân

Triều Tiên bấy lâu nay bác bỏ nỗ lực ngoại giao của các nước nhằm dừng chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Do đó, giới chức Mỹ lo ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ dùng tới giải pháp quân sự.

Tuy nhiên, phát biểu tại một sự kiện được tổ chức bởi Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung (NCUSCR, Mỹ), Đô đốc Dennis Blair, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia và từng là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), cảnh báo việc sử dụng một cuộc tấn công để xóa bỏ kho hạt nhân của Triều Tiên là đầy nguy hiểm, theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).

Đô đốc Dennis Blair, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), nói rằng Mỹ phải chấp nhận một đất nước Triều Tiên được trang bị hạt nhân. Ảnh: SCMP

“Triều Tiên có hàng ngàn đường hầm. Nước này có thể xây dựng hệ thống hạt nhân ở bất cứ đâu có khả năng lưu trữ” - ông Blair nói. Ông cho biết sẽ rất khó để thu thập các thông tin tình báo giúp xác định những địa điểm được Triều Tiên sử dụng để xây dựng các kho hạt nhân.

“Nếu tôi được đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia một lần nữa và tổng thống đến nói với tôi rằng: “Đây là kế hoạch tấn công của tướng James Mattis, anh có thể đảm bảo với tôi rằng cuộc tấn công này sẽ giúp xóa bỏ toàn bộ năng lực hạt nhân của Triều Tiên được hay không?”, tôi sẽ đáp lại rằng thật sự không dễ để khẳng định kế hoạch này là khả dĩ” - ông Blair nói.

Khi được hỏi liệu Mỹ có thể phải chấp nhận một đất nước Triều Tiên được trang bị hạt nhân hay không, Đô đốc Blair đưa ra câu trả lời là “có”.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một tên lửa sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung đất đối đất mới hôm 14-5. Ảnh: EPA

“Chúng tôi có thể ngăn chặn họ. Họ có thể đang phát triển 10-15 đầu đạn hạt nhân. Chúng tôi thì sở hữu 2.000 đầu đạn như vậy. Họ có thể sẽ gây nhiều tổn thất cho Mỹ nhưng sẽ không còn sự tồn tại của một đất nước Triều Tiên nào trong trường hợp chiến tranh hạt nhân với Mỹ. Đó không phải là một chiến lược tốt và thậm chí ông Kim Jong-un cũng hiểu được điều đó” - ông Blair nói.

Đô đốc Timothy Keating, cũng từng là tư lệnh PACOM, cho biết có “nhiều lựa chọn cho tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis”. Hôm 19-5, ông Mattis nói rằng một giải pháp quân sự đối với cuộc khủng hoảng Triều Tiên sẽ là “thảm khốc trên quy mô khó tin”. Vị bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng Washington sẽ hợp tác với các cường quốc trong khu vực để tìm một giải pháp ngoại giao.

Trong khi đó, Đô đốc Samuel Locklear, người rời vị trí tư lệnh PACOM cách đây hai năm, cảnh báo nếu xung đột xảy ra trên bán đảo Triều Tiên thì Hàn Quốc sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Các cựu quan chức Mỹ đều nhất trí rằng một giải pháp về ngoại giao là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay thay vì hành động quân sự. Đồng thời, Trung Quốc cần hành động nhiều hơn để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và vũ khí của nước này.

“Trung Quốc có ảnh hưởng đối với Triều Tiên nhưng nước này lại do dự chấp nhận thực tế đó. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên nhiều hơn chúng ta. Do đó việc hợp tác với Trung Quốc là điều cần thiết” - Đô đốc Joseph Prueher, nguyên Tư lệnh PACOM, nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm