Điểm nóng Triều Tiên và cảnh báo của TT Putin

Ra tay quân sự với Triều Tiên có thể dẫn đến thảm họa cho cả hành tinh với mất mát nặng nề về nhân mạng. Lời cảnh báo này được Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với báo chí sau cuộc họp khối năm nền kinh tế mới nổi BRICS tại Hạ Môn (Trung Quốc) ngày 5-9.

Quân sự, trừng phạt đều vô nghĩa

“Nga lên án hành động của Triều Tiên, chúng tôi xem đó là sự khiêu khích. Nhưng hành động quân sự trong điều kiện như thế này thật vô nghĩa, sẽ là một kết thúc chết chóc. Nó có thể dẫn tới một thảm họa toàn cầu, cho cả hành tinh với sự mất mát khổng lồ về nhân mạng” - Russia Today dẫn lời Tổng thống Putin.

Ông cho rằng các bài học của Iraq, Libya đã khiến Triều Tiên tin rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới bảo vệ được mình. Vì thế, sẽ không có biện pháp trừng phạt nào có thể thuyết phục được Triều Tiên từ bỏ hạt nhân. Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003 và NATO can thiệp quân sự vào Libya năm 2011 đều xảy ra sau khi lãnh đạo các nước này nhượng bộ áp lực từ quốc tế, từ bỏ các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt để được giảm nhẹ trừng phạt. Triều Tiên đến lúc này vẫn chọn cách đối đầu, nhờ đó phát triển thành công vũ khí hạt nhân và đang tiến rất nhanh trên con đường phát triển tên lửa chở đầu đạn hạt nhân.

Ông Putin cũng chỉ trích kịch liệt cách hành xử của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Lời lẽ cứng rắn, đe dọa từ phía Mỹ cộng với hoạt động quân sự từ Hàn Quốc đã trở thành một công thức đáp trả các động thái thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên nhiều năm qua. Những điều này chẳng những không thể đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán mà càng khiến nước này quyết tâm hơn trong phát triển hạt nhân, tên lửa.

Ông Putin kết luận rằng biện pháp trừng phạt hiện nay là vô ích: “Không có cách nào khác giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên ngoài đối thoại hòa bình”. Nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ trích Mỹ lố bịch khi vừa ra lệnh trừng phạt các công ty Nga vi phạm nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, vừa yêu cầu Nga giúp đỡ kiềm chế Triều Tiên.

Ông Vladimir Putin tại phiên thảo luận ngày 5-9 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS. Ảnh: KREMLIN

Vòng luẩn quẩn nguy hiểm

Những chỉ trích mạnh mẽ của ông Putin về vấn đề Triều Tiên được công bố trong bối cảnh Mỹ-Hàn đang có nhiều bước gia tăng đe dọa với Triều Tiên. Các động thái này chỉ làm cho khủng hoảng tệ hơn, Tổng thống Nga nhận định.

Ngày 5-9, tàu chiến Hàn Quốc tiếp tục ngày tập trận bắn đạn thật lần thứ hai trên biển. Chỉ một ngày trước đó, Hàn Quốc đã huy động máy bay chiến đấu F-15 và tên lửa đạn đạo thực hiện tập trận giả định tấn công các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Bên cạnh tập trận, Hàn Quốc cũng đang vận động để Mỹ đưa tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược đến bán đảo.

Ngày 4-9, điện đàm một ngày sau vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã thống nhất dỡ bỏ giới hạn trọng lượng đầu đạn hạt nhân cho Hàn Quốc để tăng sức đối phó Triều Tiên. Theo thỏa thuận năm 2001, Hàn Quốc chỉ được phép sở hữu đầu đạn nặng tối đa 500 kg lắp vào tên lửa đạn đạo có tầm bắn tối đa 500 km. Năm 2012, Mỹ đồng ý cho Hàn Quốc tăng tầm bắn tên lửa lên tối đa 800 km nhưng vẫn chưa dỡ bỏ hạn chế trọng lượng đầu đạn.

Ông Trump cũng đồng ý bán hàng tỉ USD vũ khí cho Hàn Quốc. Trong cuộc họp khẩn thứ hai về Triều Tiên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ chỉ trong một tuần, Đại sứ Mỹ Nikki Haley đã cảnh báo sự kiên nhẫn của Mỹ có giới hạn, cáo buộc Triều Tiêu đang “cầu xin được chiến tranh”. Bà cũng đề nghị HĐBA LHQ trừng phạt mức mạnh nhất và Mỹ sẽ hoàn thành dự thảo trừng phạt mới để trình lên HĐBA bỏ phiếu vào ngày 11-9.

Chỉ vài giờ sau khi bà Haley tìm kiếm đồng thuận trừng phạt Triều Tiên, báo Asia Business Daily (Hàn Quốc) đưa tin Triều Tiên sẽ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 trước lễ Quốc khánh Triều Tiên vào ngày 9-9 sắp tới. Nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đang di chuyển một đơn vị tên lửa ICBM đến điểm thử ở phía bờ Tây nước này. Triều Tiên cũng từng hai lần thử ICBM hồi tháng 7 và đều đạt được các chỉ số đáng kinh ngạc. Hãng tin Yonhap cho biết có thể Triều Tiên sẽ tiếp tục bắn tên lửa ICBM ra Thái Bình Dương chứ không dừng ở biển Nhật Bản. Cuối tháng 8, Triều Tiên cũng từng phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 cắt ngang vùng trời Nhật Bản hướng ra Thái Bình Dương. Triều Tiên cũng từng đe dọa sẽ phóng tên lửa đạn đạo đến đảo Guam của Mỹ ở phía Nam Thái Bình Dương.

CNBC dẫn lời một nhóm nhà địa vật lý Trung Quốc cho rằng điểm thử hạt nhân Punggye-ri, nơi Triều Tiên từng năm lần thử hạt nhân gần đây, trong đó có vụ thử ngày 3-9 vừa rồi có nguy cơ sụp đổ sau nhiều lần chấn động mạnh. Các nhà địa vật lý Trung Quốc đã đo lường và phân tích địa chấn từ các vụ nổ.

Theo các nhà khoa học, không phải ngọn núi nào cũng phù hợp để thử hạt nhân. Để phù hợp, đỉnh núi phải cao, tuy nhiên đỉnh núi ở điểm thử Punggye-ri lại khá bằng. Chỉ cần một vụ thử nữa thôi ngọn núi này sẽ sụp đổ và phóng xạ sẽ thoát ra, lan tràn khắp khu vực, trong đó có Trung Quốc. Viễn cảnh này sẽ dẫn đến một thảm họa môi trường vô cùng lớn.

_____________________________

Như tôi đã nói với các đồng nghiệp, họ (Triều Tiên) có thể chấp nhận ăn cỏ nhưng sẽ không từ bỏ các chương trình vũ khí chừng nào họ còn chưa cảm thấy an toàn.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm