Diamond Princess: Từ siêu du thuyền thành ổ dịch di động

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận tính đến 7 giờ tối 18-2 có 1.873 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 73.428 ca nhiễm. Như vậy, so với ngày 17-2, số ca tử vong tăng 98 người.

Số nạn nhân tử vong bên ngoài đại lục đến nay đã lên đến năm ca, với một trường hợp ở Philippines vào ngày 2-2, một ở đặc khu Hong Kong vào ngày 4-2, một ở Nhật vào ngày 13-2, một ở Pháp vào ngày 15-2 và một ở Đài Loan vào ngày 16-2.

Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 12.647 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 2.037 người so với ngày 17-2.

Cùng ngày, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo xác nhận thêm 88 trường hợp dương tính với COVID-19 trên du thuyền Diamond Princess. Tổng cộng các ca lây nhiễm trên du thuyền này đã lên tới 542 người, theo hãng tin Reuters.

Cách ly không tác dụng

Được biết số ca nhiễm bệnh trên tàu Diamond Princess tăng lên từng ngày kể từ khi tàu này cập cảng Yokohama ở Nhật Bản và bị cách ly hôm 3-2. Một du khách người TQ xuống tàu ở Hong Kong hôm 25-1 đang bị tình nghi là bệnh nhân số 0 mang mầm bệnh và phát tán ra khắp siêu du thuyền chở theo 3.600 người này.

nhiều chuyên gia cảnh báo lệnh cách ly tàu này đang mất dần tác dụng. Thậm chí, động thái này còn có nguy cơ biến con tàu thành ổ dịch di động do số ca lây nhiễm trên tàu này quá lớn và tốc độ lây nhiễm quá nhanh. Du thuyền này hiện là nơi có số người nhiễm nhiều thứ hai thế giới, sau TQ.

Du thuyền Diamond Princess bị cách ly ở Yokohama tại Nhật Bản (ảnh chụp ngày 10-2). Ảnh: AFP

Đài CNN cho hay ban đầu, quyết định cách ly toàn bộ du thuyền được xem là nỗ lực để cùng lúc đạt được hai mục tiêu đầy khó khăn: Vừa tránh lây lan virus ở Nhật Bản, vừa bảo vệ sự an toàn cho hành khách và thủy thủ đoàn sau khi những người nhiễm bệnh được đưa khỏi du thuyền và chuyển tới bệnh viện.

GS Satoshi Hori thuộc ĐH Juntendo (Nhật Bản) khẳng định chỉ việc có thêm trường hợp nhiễm bệnh là dấu hiệu cho thấy biện pháp cách ly không có tác dụng. Trong khi đó, độ tuổi của hành khách trên tàu đa phần cao nên sức đề kháng không tốt và dễ nhiễm virus hơn. Cụ thể, khoảng 80% hành khách trên tàu trong độ tuổi từ 60 trở lên với 215 khách trên 80 tuổi và 11 khách trên 90 tuổi.

Một điểm đáng lưu ý khác là sự lây lan chưa từng thấy của COVID-19 trên Diamond Princess so với các ổ dịch khác trên thế giới. Nhiều chuyên gia nhận định virus có thể lây từ người qua người do ho, hắt hơi và truyền qua hệ thống thông gió, điều hòa trên du thuyền. Các nhà khoa học cũng cân nhắc khả năng phần lớn người bị lây nhiễm đã dính phải virus trước khi lệnh cách ly được ban bố và ủ bệnh đến hiện tại. Môi trường ngột ngạt, chật chội và thiếu dưỡng khí trên tàu càng khiến virus lây lan nhanh hơn.

Việc thủy thủ đoàn không được đào tạo và trang bị thiết bị bảo hộ đầy đủ cũng có thể là một yếu tố gây lo ngại. Không giống hành khách trên du thuyền, các thủy thủ không có phòng riêng mà phải chung phòng với bốn người khác. Những người này cũng phải đi lại khắp tàu để phục vụ nên phải tiếp xúc với nhiều người, tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Hãng tin AFP mới đây ghi nhận ít nhất một nhân viên y tế Nhật Bản đã nhiễm COVID-19 trong quá trình kiểm tra sức khỏe những người trên tàu.

Diamond Princess: Từ siêu du thuyền thành ổ dịch di động ảnh 2
 

Việc cách ly nhìn chung chỉ có hiệu quả trong việc ngăn chặn virus lây từ tàu lên đất liền nhưng rõ ràng không hiệu quả đối với những người đang ở trên đó. Với tỉ lệ ca nhiễm mới, nhiều khả năng toàn bộ hành khách sẽ bị lây nhiễm nếu không đưa ra biện pháp khác.

GS STANLEY DERESINSKIĐH Stanford (Anh) 

Tỉ lệ lây nhiễm chéo quá cao

Trả lời South China Morning Post, GS Gregory Gray, ĐH Y khoa Duke - NUS (Singapore), nhận định hành khách đi trên các du thuyền đứng trước rủi ro bị lây nhiễm chéo cao hơn những người đi máy bay hay tàu lửa, tàu điện ngầm. “Các hành khách đi trên tàu tiếp xúc gần với nhau từ vài ngày đến vài tuần. Đây là thời gian rất dài so với thời gian những người đi trên tàu lửa hoặc máy bay.

“Những hành khách đi tàu cũng sử dụng nhiều không gian công cộng, khu vực giải trí và tiện ích chung như nhà hàng, phòng chiếu phim, sàn khiêu vũ... Các tay vịn trên cửa và những hành lang trên tàu cũng là nơi thường xuyên có nhiều người chạm tới khiến virus truyền từ người này sang người khác” - ông Gray giải thích.

Trong khi đó, PGS Danielle Anderson thuộc ĐH Cambridge (Anh) cũng cho rằng không gian kín trên các du thuyền có thể là nguyên nhân khiến tốc độ lây nhiễm trên các du thuyền cao hơn những loại hình giao thông khác. “Người ta có thể khử trùng triệt để tàu lửa và máy bay để ngăn ngừa mầm bệnh nhưng các biện pháp này lại trở nên khó khăn đối với Diamond Princess vào thời điểm hiện tại” - chuyên gia Anderson chia sẻ.

Theo bà Anderson, mặc dù việc cách ly tàu Diamond Princess chỉ có thể bảo vệ những người bên ngoài, không gì có thể đảm bảo sự an toàn cho những người trên tàu. Do đó, chỉ có hạn chế gặp người khác, kể cả khi họ không có dấu hiệu đau ốm gì và luôn rửa tay, tránh chạm vào mắt, mũi, miệng là cách tự bảo vệ bản thân tốt nhất cho những người đang trên du thuyền.

Thuốc kháng COVID-19 đầu tiên được cấp phép

Tờ China Daily ngày 17-2 dẫn thông báo của chính quyền TP Thái Châu thuộc tỉnh Chiết Giang (TQ) cho hay Favilavir - một loại thuốc được chứng minh có công dụng hiệu quả đối với virus COVID-19 đã được cấp phép bán ra thị trường. Là sản phẩm của Công ty dược Hisun Chiết Giang, loại thuốc ban đầu dùng để điều trị viêm mũi họng này đang được kỳ vọng là bước ngoặt trong công tác phòng, ngừa dịch. Đến nay, 70 bệnh nhân ở TP Thâm Quyến thử nghiệm Favilavir đều cho kết quả khả quan.

Bên cạnh đó, chính quyền TQ cũng đang kêu gọi các bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19 hiến tặng huyết tương để bào chế thuốc chữa bệnh dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giải thích đây là liệu pháp globulin miễn dịch được sử dụng trong hàng chục năm để điều trị các bệnh do virus gây ra. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm