Di tích lịch sử - Sản phẩm vô giá

Ngày cuối ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, du khách trong đoàn tự do sinh hoạt để hôm sau ra sân bay về nước. Minh Sinh, doanh nhân người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn, bạn cùng tour, rủ tôi đi xem các di tích hoặc thắng cảnh địa phương không có trong lịch trình tham quan của đoàn. Trò chuyện hồi lâu bằng thổ âm Quảng Đông với cô hướng dẫn viên du lịch địa phương, Minh Sinh quay sang tôi: “Cổ biểu tụi mình là người Việt Nam nên cổ sẽ đưa đi thăm mộ ông vua Việt Nam ở Quảng Châu”.

Mộ ông vua Việt Nam ở Quảng Châu? Tôi chưng hửng! Có nhầm lẫn gì chăng? Hay cô ta muốn nói đến ngôi mộ của liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người đã ném tạc đạn ám sát Merlin, viên toàn quyền Pháp tại Đông Dương khi y đến Sa Điện, Quảng Châu.

Thấy tôi tỏ vẻ hoài nghi, Minh Sinh bảo: “Tôi hỏi kỹ rồi, cổ nói mộ này mới được tìm thấy năm 1983, là mộ của của Văn Vương Triệu Mạt, cháu nội Vũ Vương Triệu Đà. Vũ Vương là vị vua đầu tiên của nhà Triệu nước ta”.

Những chiếc đĩa ngọc đặt dưới thi hài Triệu Văn Vương.
Những chiếc đĩa ngọc đặt dưới thi hài Triệu Văn Vương.

Nghe Minh Sinh, một người chính gốc Quảng Đông, nói hai từ “nước ta” thấy thương hết biết!

Văn vương Triệu Mạt là cháu nội và là người kế ngôi Triệu Đà. Vì theo truyền thuyết thì Trọng Thủy, con trai độc nhất của Triệu Đà, đã ôm xác Mỵ Châu nhảy xuống giếng tự vẫn sau khi chiếm được Loa thành của An Dương Vương Thục Phán, vua nước Âu Lạc. Từ đó, nước Âu Lạc (vốn là nước Văn Lang của Hùng Vương bị Thục Phán chiếm rồi đổi tên gọi) được Triệu Đà sát nhập vào quận Nam Hải (phần lớn là đất Quảng Tây và Quảng Đông sau này), đặt quốc hiệu Nam Việt, tự xưng đế, đóng đô ở Phiên Ngung, tức thành phố Quảng Châu hiện nay.

Triệu Đà có phải là vị vua đầu tiên của nhà Triệu “nước ta” như Minh Sinh nói? Ông tuy là người Tàu, làm quan Đô úy của nhà Tần ở quận Nam Hải nhưng khi nhà Tần mất vào tay nhà Hán thì ông tự lập ra nước Nam Việt ở phương Nam, độc lập với nhà Hán, truyền qua năm đời vua được non trăm năm mới bị Hán Vũ Đế thôn tính, khởi đầu thời kỳ một ngàn năm Bắc thuộc của nước ta. Các sử gia ta như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Tắc... đều xem Triệu Đà là vị vua khai lập nước Đại Việt. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “...Trãi Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước...” đã mặc nhiên xem nhà Triệu là khởi triều của Đại Việt ta. Vua Tự Đức cũng cho Quốc tử giám ghi danh năm đời vua nhà Triệu là tiền triều trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục.

Vấn đề người viết muốn đề cập chính là tài năng sáng tạo và thái độ trân trọng đối với sản phẩm du lịch của người Trung Quốc, cùng nghệ thuật tiếp thị của họ. Cứ xem cô hướng dẫn viên người Quảng Châu thì rõ. “Cổ biểu mình là người Việt Nam nên cổ sẽ đưa đi thăm mộ ông vua Việt Nam ở Quảng Châu”. Nghe “cổ” nói thế thì du khách Việt nào lại không thấy xúc động và nổi dậy sự tò mò, cho dù du khách là một anh Hai lúa không hề biết nhân vật Triệu Đà là ai chăng nữa.

Và tôi đã thật sự xúc động khi đến thăm lăng mộ Văn Vương.

Một trong những chiếc ấn bằng vàng được tìm thấy trong lăng Triệu Văn Vương.
Một trong những chiếc ấn bằng vàng được tìm thấy trong lăng Triệu Văn Vương.

Lăng mộ hầu như còn nguyên vẹn dẫu nó được phát hiện rất tình cờ do xe xúc va vào một bức tường đá trong khi đào đất để xây dựng trung tâm thương mại của thành phố Quảng Châu. Dự án xây dựng trung tâm thương mại ở khu vực đó tức khắc bị hủy bỏ và sau khi khai quật, lăng đã được bảo vệ, giữ gìn cẩn thận. Trong lăng, thi hài nhà vua bọc kín trong bộ áo kết dính lại bằng những miếng lá bằng ngọc. Những chiếc đĩa ngọc được đặt bên dưới thi hài. Nhiều hiện vật trong lăng là công cụ nấu ăn, vại chứa và cốc uống rượu bằng đồng chạm trổ tinh vi. Có cả các nhạc cụ bằng đá và vũ khí như gươm, giáo, đặc biệt là những mũi tên đồng bắn liên hoàn, có thể từ chiếc “nỏ thần” huyền thoại mà Trọng Thủy đã đánh cắp của cha vợ (?). Cả ngàn hiện vật cách nay hơn 2.000 năm được lưu giữ tại đây.

Tự dưng tôi nghĩ đến sự hoang tàn của phế tích Loa thành nằm cách thủ đô Hà Nội không xa đang bị “xâm thực” bởi người dân địa phương trước sự thờ ơ của chính quyền. Cái sản phẩm du lịch ấy thật đáng xấu hổ nếu như mang ra so sánh với lăng Văn Vương Triệu Mạt. Mà lẽ ra đó phải là sản phẩm thu hút số một đối với du khách trong nước, vì chẳng một người Việt nào lại không biết đến truyền thuyết nỏ thần cùng mối tình oan nghiệt của Trọng Thủy-Mỵ Châu. Không chỉ ở Loa thành, tại chân núi Mộ Dạ, gần bờ biển Nghệ An, nơi mà truyền thuyết cho rằng thần Kim Quy hiện lên mách bảo và An Dương Vương đã tức giận chém chết Mỵ Châu trước khi nhảy xuống biển tự vẫn, cũng là một sản phẩm du lịch ăn khách được lắm. Mà đâu chỉ có truyền thuyết Trọng Thủy-Mỵ Châu, cả một dải đất phương Bắc có nơi nào không là di tích lịch sử và truyền thuyết của người Việt trong tiến trình dựng nước, giữ nước. Nào nơi Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt về trời, nơi chị em Trưng Nữ Vương trầm mình ở sông Hát, nơi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng... thảy đều là sản phẩm du lịch ăn khách cả nếu biết đầu tư tôn tạo. Gần đây thôi, chỉ trên 200 năm, cây cổ thụ nào ở gò Đống Đa mà tướng nhà Thanh Sầm Nghi Đống treo cổ tự vẫn trước đà tiến quân vũ bão của vua Quang Trung cũng có thể là sản phẩm du lịch hấp dẫn đấy chứ! Liệu cây cổ thụ ấy còn không, hay đó lại là cây sưa cổ thụ trị giá hơn tỷ đồng đã bị nhân viên quản lý Công viên văn hóa Đống Đa, Hà Nội “móc ngoặc” với tư thương đốn hạ để xuất bán sang Trung Quốc mà báo chí mới đây phát hiện?...

NGUYỄN KHẮC NHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm