Đề cử cố vấn an ninh của ông Biden lên tiếng về Hong Kong

Tờ South China Morning Post ngày 9-12 dẫn lời ông Jake Sullivan – người được Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden đề cử cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - cho biết ông “quan ngại sâu sắc” về việc nhà chức trách Hong Kong tiếp tục bắt giữ các nhân vật đối lập.

Trong bài đăng trên trang Twitter của mình hôm 8-11, ông Sullivan cho biết: "Chúng tôi đoàn kết với các đồng minh và đối tác của mình nhằm phản đối sự tấn công của Trung Quốc đối với các quyền tự do của Hong Kong và giúp những người bị trấn áp tìm được nơi trú ẩn an toàn".

Động thái trên là phản ứng trước việc nhà chức trách Hong Kong sáng 8-12 tiếp tục bắt giữ tám nhân vật đối lập liên quan một cuộc biểu tình phản đối chính phủ hồi tháng 7.

Tám nhân vật đối lập (trong độ tuổi 24-54) - trong đó có ba cựu nghị sĩ là ông Eddie Chu Hoi Dick, ông Wu Chi Wai và ông Leung Kwok Hung – hôm 8-12 đã bị bắt với cáo buộc vi phạm Pháp lệnh trật tự công cộng Hong Kong khi tham gia một cuộc tụ tập trái phép vào ngày 1-7.

Các cựu nghị sĩ này đã từ nhiệm Hội đồng Lập pháp Hong Kong sau khi quốc hội Trung Quốc hồi tháng 11 thông qua nghị quyết cho phép chính quyền Hong Kong được truất ghế nghị sĩ mà không cần thông qua tòa án.

Ông Jake Sullivan - Đề cử cố vấn an ninh của ông Biden. Ảnh: REUTERS

Vụ bắt giữ trên diễn ra chỉ một ngày sau khi nhà chức trách Hong Kong hôm 7-11 bắt tám người, phần lớn là sinh viên, liên quan cuộc tụ tập không được cấp phép trong khuôn viên Đại học Trung văn Hong Kong hồi tháng 11.

Trả lời câu hỏi trong buổi họp báo sau vụ việc rằng liệu “chính quyền Hong Kong có đang nhắm vào các nhà hoạt động đối lập trong hai ngày qua hay không”, Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết: “Những người bị bắt gần đây dường như có một ‘lá chắn’ khi họ được các chính phủ nước ngoài coi là 'nhà hoạt động ủng hộ dân chủ', từ đó cho rằng cơ quan thực thi pháp luật không nên động đến họ. Đây không phải là tinh thần pháp quyền trong xã hội”.

“Không một góc nào ở Hong Kong mà không có luật pháp. Với những nguyên tắc này, lực lượng cảnh sát sẽ tiếp tục bảo vệ trật tự công cộng và pháp quyền của Hong Kong” – bà Lâm cho biết.

Theo South China Morning Post, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ cho rằng tình hình tại Hong Kong đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia Hong Kong hồi tháng 6.

Theo luật này, những người được cho là thúc đẩy hoặc ủng hộ khái niệm độc lập Hong Kong, từ chối tán thành đất nước tiếp quản chủ quyền đối với Hong Kong, lôi kéo thế lực nước ngoài can thiệp vào công việc của thành phố hoặc tham gia hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia có thể chịu hình phạt tối đa là tù chung thân,.

Luật an ninh quốc gia Hong Kong đã dấy lên sự phản đối từ các nước phương Tây. Mỹ đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Hong Kong và Trung Quốc liên quan các cuộc trấn áp tại đặc khu này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 7-12 bất ngờ tuyên bố Washington chuẩn bị trừng phạt 14 thành viên Quốc hội Trung Quốc với cáo buộc trực tiếp thúc đẩy việc ban hành luật an ninh quốc gia Hong Kong và có liên quan tới vụ Bắc Kinh hủy tư cách một số nghị sĩ đối lập ở Hong Kong gần đây.

Đáp lại, Trung Quốc hôm 8-12 đã triệu tập ông Robert Forden - quyền đại sứ Mỹ tại Trung Quốc - nhằm chính thức phản đối các biện pháp trừng phạt của Washington và tuyên bố sẽ “trả đũa lại".

Hong Kong được cho là một trong những vấn đề “gai góc” nhất trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của ông Biden, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Ông Biden cam kết sẽ có đường lối cứng rắn hơn ông Trump liên quan vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Do đó, phản ứng của ông đối với vấn đề Hong Kong có thể là thử nghiệm sớm cho quyết tâm đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm