Dấu chấm hết với chủ tịch Interpol ở Trung Quốc

Dư luận quốc tế vẫn đang thảo luận việc ông Mạnh Hoành Vĩ, người bị chính quyền Trung Quốc (TQ) bắt giữ và cáo buộc tội tham nhũng ngay khi đương nhiệm vị trí chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Tờ The Guardian hôm qua 

(9-10) nhận định đây là trường hợp “lạ kỳ”, đang làm dấy lên lo ngại rằng chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đang tiếp tục mở rộng.

Từng là niềm tự hào dân tộc

Theo South China Morning Post (SCMP), vào giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Mạnh Hoành Vĩ, người TQ đầu tiên được bầu làm chủ tịch Interpol vào tháng 11-2016, đồng thời là thứ trưởng Bộ Công an TQ, được truyền thông TQ ca ngợi như một minh chứng cho thấy cộng đồng quốc tế đã “công nhận đầy đủ” năng lực hành pháp của TQ và coi đây là một quốc gia thượng tôn pháp luật.

Gần một năm sau khi trở thành lãnh đạo tổ chức cảnh sát toàn cầu, ông Mạnh chủ trì cuộc họp đại hội đồng Interpol ở Bắc Kinh, cũng là lần thứ hai hiếm hoi mà TQ được đăng cai sự kiện quan trọng này. Trong lễ khai mạc hội nghị, ông Mạnh được ưu tiên ngồi cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình, lãnh đạo quyền lực nhất TQ và cũng là người ủng hộ ông Mạnh cùng với Interpol, cam kết tăng cường sự ủng hộ và xây dựng danh tiếng đối với tổ chức quốc tế này.

Ông Mạnh từng trải qua các vị trí quan trọng trong bộ máy an ninh TQ, gồm thứ trưởng Bộ Công an liên tiếp nhiều nhiệm kỳ từ năm 2004, đảm nhiệm vai trò quan trọng ở các lĩnh vực an ninh nhạy cảm như phòng, chống tội phạm ma túy, khủng bố và nhập cư; trở thành cục trưởng Cục Cảnh sát biển nắm giữ quyền lực hợp nhất từ bốn cơ quan chấp pháp trên biển khác nhau năm 2013, đồng thời cũng là cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình thuộc Bộ Công an trước khi nắm quyền lãnh đạo Interpol.

Hôm 25-9, chỉ khoảng một năm sau khi ngồi cạnh thân mật với Chủ tịch Tập Cận Bình và là niềm tự hào của hàng tỉ người TQ, ông Mạnh tiếp tục trở thành tâm điểm của thế giới nhưng trong bối cảnh trái ngược: Đột nhiên mất tích khi trở về TQ và chỉ để lại dòng tin qua điện thoại có biểu tượng con dao cùng lời nhắn “tôi sẽ gọi lại” cho vợ ở Pháp. Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC), cơ quan chống tham nhũng siêu quyền lực của TQ, sau đó tuyên bố ông Mạnh bị bắt giữ vì nghi án nhận hối lộ nhưng không cung cấp chi tiết thông tin liên quan đến các hành vi sai phạm.

Ông Mạnh Hoành Vĩ. Ảnh: AP

Bị bắt giam vì cáo buộc hối lộ

Sự kiện bị bắt để điều tra tham nhũng được xem là dấu chấm hết đối với sự nghiệp chính trị của ông Mạnh, người từng có thời gian làm việc gần gũi với Chu Vĩnh Khang, một nhân vật tầm cỡ về an ninh cũng thất thế, chịu án chung thân vì tội nhận hối lộ và tiết lộ bí mật quốc gia.

Điều đáng nói là NSC, cơ quan được phép bắt giam để thẩm vấn bất cứ cá nhân nào bị nghi ngờ dính líu đến tham nhũng, bao gồm những đối tượng bị tình nghi đưa và nhận hối lộ, từ khi thành lập vào đầu năm nay chưa từng bắt giam bất kỳ “con hổ lớn” nào và ông Mạnh là người đầu tiên. Dimitar Gueorguiev, làm việc tại ĐH Syracuse (Mỹ), nhận định “việc bắt giữ ông Mạnh trông giống như một minh chứng mạnh mẽ cho các cam kết của TQ trong việc loại bỏ tham nhũng, ngay cả khi TQ phải mất đi một người lãnh đạo của một tổ chức quốc tế quan trọng” như Interpol.

Tôi đoán phải có chuyện gì đó rất khẩn cấp xảy ra. Thế nên cơ quan chức năng TQ mới chọn cách hành động chớp nhoáng (khi bắt ông Mạnh), chấp nhận rủi ro mất thể diện quốc gia trên trường quốc tế. Nếu ông Mạnh chỉ dính vào các vụ tham nhũng thông thường, các nhà chức trách TQ không cần phải hành xử như vậy.

Nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh ZHANG LIFAN

Trong khi đó, ông Steve Tsang, Giám đốc Viện TQ SOAS ở London, cho rằng mặc dù hình ảnh và vị thế TQ thể hiện qua vai trò lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế như Interpol là rất quan trọng và được ưu tiên vì phục vụ lợi ích TQ nhưng việc cân nhắc vai trò lãnh đạo của những người như ông Mạnh cũng phải dựa vào lợi ích của đảng. Việc ông Mạnh bất ngờ bị bắt càng khẳng định Bắc Kinh luôn đặt vấn đề chính trị nội bộ và yêu cầu của đảng lên ưu tiên hàng đầu.

Theo The Guardian, TQ có thể đang áp dụng hình thức giam giữ đặc biệt, gọi là hình thức “lưu giữ” (liuzhi), đối với ông Mạnh. Theo đó, người thân của ông Mạnh tuy được thông báo về việc ông bị giam giữ điều tra nhưng gia đình và luật sư của ông Mạnh cũng không được tiếp cận trong thời gian có thể kéo dài đến sáu tháng. Thời hạn giam giữ cũng như quyền gặp luật sư của ông Mạnh đều do NSC quyết định.

Trước ông Mạnh, một số người đã bị NSC giam theo hình thức “lưu giữ” và không được tiếp cận với luật sư cho đến nay. Nhiều người cho rằng hình thức “lưu giữ” rất mới và khắc nghiệt. Vì thế, dù chưa biết chính xác hiện nay ông Mạnh ra sao nhưng nhiều người cho rằng một khi đã bị NSC tiến hành bắt giữ, điều tra sẽ khó thoát khỏi án phạt nặng, có thể chịu án tù kéo dài nhiều năm. Ông Steve Tsang nhận định “nhiều khả năng các vấn đề mà ông Mạnh đối mặt rất nghiêm trọng và ông ấy sẽ còn “làm khách” của chính phủ TQ trong một thời gian dài”.

Theo The Guardian, ông Mạnh là quan chức an ninh cấp cao TQ mới nhất trở thành mục tiêu của Bắc Kinh trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” - một chiến dịch được cho là nhằm truy quét mạng lưới quan chức từ trung ương đến địa phương dính líu đến hành vi tham nhũng. Nhiều chuyên gia quốc tế, dựa trên các phân tích về thân thế và biểu hiện của nhiều quan chức chính trị “ngã ngựa” như ông Mạnh, cho rằng đây là những trường hợp không tuân thủ tuyệt đối các đường lối Đảng Cộng sản TQ đã vạch ra. Cuộc chiến chống tham nhũng của TQ vì thế càng trở nên đậm đà màu sắc chính trị chứ không chỉ là làm trong sạch bộ máy nhà nước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm