Đảo chính ở Thái Lan: Quân đội cảnh báo trấn áp biểu tình

Báo Straits Times (Singapore) đưa tin ngày 29-5, tại thủ đô Bangkok, quân đội đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế đầu tiên từ sau đảo chính ngày 22-5.

Tại cuộc họp báo, Trung tướng Phó Tham mưu trưởng lục quân Chatchalerm Chalermsuk thừa nhận đảo chính là bất hợp pháp, ngay cả lên kế hoạch đảo chính cũng bị xem là hành động phản quốc và những người tham gia vẫn có thể bị kết án tử hình.

Dù vậy ông cho rằng đảo chính là cần thiết để tạo quãng thời gian làm lắng dịu xung đột chính trị.

Ông giải thích quân đội đã dàn xếp hai cuộc đàm phán giữa chính phủ tạm quyền và phe chống chính phủ nhưng họ vẫn không thỏa hiệp được với nhau. Nhận thấy tình hình phân cực chính trị sâu sắc có nguy cơ dẫn đến nội chiến nên quân đội buộc phải hành động.

Binh sĩ canh gác tại trạm chờ xe buýt gần tượng đài Chiến thắng ở Bangkok ngày 29-5. Ảnh: REUTERS

Ông nhấn mạnh các cơ quan an ninh không thể cho phép xung đột xảy ra; có thể phe nào đó giành thắng lợi nhưng đất nước sẽ lâm vào tình trạng chiến tranh như Syria, Libya và Iraq.

Ông tin tưởng Thái Lan sẽ không bị cô lập do đảo chính vì mục đích của quân đội là đưa đất nước trở lại tiến trình dân chủ đầy đủ. Ông cho biết bầu cử không thể tiến hành ngay được khi hòa bình và trật tự chưa được khôi phục.

Tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố bế tắc chính trị kéo dài và tình hình hành chính tê liệt đã tàn phá kinh tế đất nước. Do đó quân đội phải can thiệp để ngăn chặn xung đột, bất ổn và chia rẽ đang phát triển trầm trọng.

Người phát ngôn nói những người bị triệu tập chỉ bị tạm giữ không quá năm ngày mặc dù thiết quân luật cho phép tạm giữ đến bảy ngày.

Trong ngày 29-5, hàng trăm binh sĩ đã được triển khai để phong tỏa bốn con đường chính dẫn đến tượng đài Chiến thắng ở Bangkok. Đây là điểm tập trung biểu tình phản đối đảo chính trong những ngày trước.

Phó Tư lệnh Cảnh sát hoàng gia Somyos Phumpanmuang khuyến cáo người dân tránh xa khu vực tượng đài Chiến thắng và cảnh báo lực lượng an ninh sẽ hành động dứt khoát để trấn áp biểu tình.

Ông nói biểu tình tại tượng đài Chiến thắng trong những ngày qua có các lãnh đạo đứng ra tổ chức chứ không phải biểu tình tự phát.

Trong khi đó Bộ Nội vụ chỉ thị cho các tỉnh trưởng phải làm việc với quân đội, cảnh sát và các lãnh đạo địa phương để ngăn chặn biểu tình phản đối đảo chính. Chỉ thị được đưa ra sau khi có thông tin sẽ có biểu tình ở các tỉnh trong ngày 1-6.

Ngày 29-5, tòa nhà chính phủ đã mở cửa trở lại sau sáu tháng đóng cửa do biểu tình chống chính phủ.

Đêm 28-5, tòa án quân sự đã bác đề nghị xin tại ngoại của nguyên Bộ trưởng Giáo dục Chaturon Chaisaeng (bị khởi tố vì vi phạm thiết quân luật) và đồng ý cho cơ quan điều tra tạm giữ 12 ngày.

Tối cùng ngày, Hội đồng Vì hòa bình và trật tự quốc gia thông báo điều chuyển thư ký thường trực văn phòng thủ tướng Tongthong Chandransu sang làm công việc bàn giấy tại văn phòng thủ tướng.

LÊ LINH

Ngày 28-5 (giờ địa phương), Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu Catherine Ashton tuyên bố bày tỏ lo ngại về diễn biến chính trị tại Thái Lan. Bà kêu gọi Thái Lan nhanh chóng khôi phục hiến pháp và tiến trình dân chủ hợp pháp thông qua bầu cử đáng tin cậy. Bà cũng kêu gọi giới lãnh đạo quân sự trả tự do cho những người bị tạm giữ vì lý do chính trị và hủy bỏ lệnh kiểm soát báo chí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm