Đảo chính ở Thái Lan: 155 người bị cấm xuất cảnh

Ngày 23-5, các nhóm biểu tình cuối cùng của hai phe ủng hộ và phản đối chính phủ đã rời các điểm biểu tình ở Bangkok. Họ được xe buýt quân đội đưa đến nhà ga và trạm xe buýt để về nhà. Cảnh sát và quân đội tiến hành thu dọn rào chắn, lô cốt, lều trại tại các điểm biểu tình.

Đóng cửa biên giới

Nhìn chung tình hình Bangkok ngày 23-5 yên tĩnh. Trên đường phố không có xe tăng như hồi đảo chính năm 2006. Các trường học đều đóng cửa. Báo Bangkok Post số ra ngày 23-5 giật tít trên trang nhất: “Đảo chính - Hiến pháp bị đình chỉ”. Trang nhất báo The Nation nêu: “Tư lệnh Prayut nắm quyền”.

Sáng cùng ngày, toàn bộ đài truyền hình đều phát nhạc trên nền hình ảnh tên cơ quan cầm quyền mới: Hội đồng Duy trì hòa bình và trật tự quốc gia do Tướng Tổng tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha đứng đầu.

Biên giới với Lào và Myanmar đã bị đóng cửa. Các trạm kiểm soát ở biên giới với Lào, Myanmar, Campuchia, Malaysia đã tăng cường kiểm tra. Xe chở hàng ra vào Thái Lan phải qua hai trạm kiểm soát.

Các binh sĩ trên đường phố Bangkok ngày 23-5. Ảnh: AP

Trạm kiểm soát tại huyện Ban Kruat (tỉnh Buri Ram) đóng cửa ba ngày nhằm ngăn chặn các nhà chính trị rời Thái Lan. Trạm kiểm soát tại huyện Aranyaprathet (tỉnh Sa Kaew) vẫn mở cửa nhưng kiểm tra nghiêm ngặt hơn.

Rạng sáng 23-5, quân đội đã phóng thích bốn người của đảng Dân chủ (đối lập), trong đó có Chủ tịch đảng Abhisit Vejjajiva; và 3/5 người của đảng Pheu Thai (cầm quyền).

Nguyên bộ trưởng Tư pháp, nguyên bộ trưởng Văn phòng chính phủ, nguyên thứ trưởng Giáo dục, nguyên thứ trưởng Tài chính và nguyên bộ trưởng Giao thông-Vận tải cũng được phóng thích.

Các lãnh đạo Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (ủng hộ chính phủ) và Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (chống chính phủ) vẫn bị giam giữ.

Triệu tập 114 người

Trong vòng 16 tiếng sau khi tuyên bố đảo chính vào chiều 22-5, quân đội đã ban hành hai sắc lệnh và 19 thông báo. Các văn bản này được đọc vài lần trên đài. Trong đó có thông báo bổ nhiệm thư ký thường trực phụ trách các bộ đến khi có thông báo mới.

Đêm 22-5, Hội đồng Duy trì hòa bình và trật tự quốc gia ban hành thông báo số 10 với nội dung Tướng Prayuth Chan-ocha giữ chức thủ tướng tạm quyền đến khi có thủ tướng mới.

Trong ngày 23-5, Tướng Prayuth Chan-ocha đã ký lệnh triệu tập 114 người đến để trình diện. Ai từ chối lệnh sẽ bị bắt giữ và truy tố.

Trong số này có hai nguyên thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và Niwattumrong Boonsongpaisan, nhiều sĩ quan quân đội, cảnh sát, nhà chính trị, lãnh đạo biểu tình có liên quan đến khủng hoảng chính trị.

Hội đồng Duy trì hòa bình và trật tự quốc gia đã yêu cầu các phương tiện truyền thông ngăn chặn phát tán thông tin sai trái, thông tin kích động bất ổn hay chống đối hòa bình.

Báo in và báo điện tử không được phỏng vấn các cựu quan chức chính phủ, học giả, thẩm phán hay bất kỳ tổ chức độc lập nào. Cơ quan vi phạm sẽ bị ngưng hoạt động hoặc bị truy tố.

Chiều 23-5, năm kênh truyền hình đã được phép hoạt động trở lại. Kênh truyền hình Thai PBS vẫn bị đóng cửa. Một đài phát thanh của phe áo đỏ ở tỉnh Udon Thani bị đóng cửa. Quân đội tịch thu thiết bị thu-phát.

Phản ứng quốc tế

Trong hai ngày 22 và 23-5, nhiều nước đã ra thông báo phản đối đảo chính ở Thái Lan. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi Thái Lan nhanh chóng trở lại chính quyền hợp hiến, dân sự và dân chủ, tiến hành đối thoại với các bên.

Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo công dân Mỹ tại Thái Lan nên cẩn trọng và tránh đến các nơi tụ tập đông người. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki thông báo Mỹ có thể đình chỉ gói hỗ trợ 10 triệu USD cho Thái Lan và Mỹ đang tiến hành các bước đình chỉ tham gia và hỗ trợ quân sự cho Thái Lan.

Theo luật của Mỹ, chính phủ buộc phải hạn chế hỗ trợ quân sự cho nước ngoài nếu xảy ra đảo chính. Việc này đã từng xảy ra trong cuộc đảo chính ở Thái Lan vào năm 2006.

Tổng thống Pháp François Hollande và các ngoại trưởng Đức, Úc, Canada, Nhật, Indonesia đã lên án đảo chính ở Thái Lan và kêu gọi kiềm chế, nối lại tiến trình chính trị, tái khởi động đối thoại, mở đường bầu cử sớm. Các ngoại trưởng kêu gọi quân đội bảo đảm quyền hợp hiến của người dân và tự do báo chí.

DUY KHANG

Theo thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có đoạn như sau: “…Tôi thúc giục khôi phục ngay lập tức chính quyền dân sự, quay trở lại chế độ dân chủ và tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản như tự do báo chí. Con đường tiến về phía trước của Thái Lan phải bao gồm các cuộc bầu cử sớm, thể hiện được nguyện vọng của người dân…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm