Đằng sau chuyến công du ‘kín tiếng’ của Trung Quốc đến ASEAN

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 11-9 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 11-9 đã đến thăm Philippines, kết thúc chuyến công du “kín tiếng” đến bốn nước Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines.

Đáng chú ý, phía Trung Quốc tiến hành các chuyến thăm trước và trong lúc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra từ ngày 9-9 đến ngày 12-9. Các nhà phân tích đánh giá động thái của Trung Quốc nhằm cân bằng ảnh hưởng với Mỹ vào thời điểm căng thẳng ở Biển Đông đang gia tăng.  

Philippines bị “lay chuyển” bởi Trung Quốc?

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 11-9 đã đến thăm và đối thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana.

Theo đó, hai quan chức cam kết giữ gìn hòa bình và ổn định tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp một cách “thân thiện”, thúc đẩy sự tin tưởng và lợi ích đôi bên.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đến thăm Philippines ngày 11-9. Ảnh: AP

Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng Philippines ban đầu ra thông cáo báo chí trích dẫn lời từ ông Lorenzana nói với ông Ngụy rằng Philippines sẽ tuân thủ đúng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan) năm 2016 về việc bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông "mà không nhượng bộ hay thay đổi gì". Đồng thời, ông Lorenzana cũng nói Philippines "sẽ tiếp tục tuần tra thường lệ tại Biển Đông và thách thức bất cứ hoạt động nào gây tổn hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này".

Tuy nhiên, bản thông cáo này đã bị thu hồi sau khoảng một giờ. Tuyên bố mới nhất sau đó không đề cập phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 và nhấn mạnh rằng hai bên đã thảo luận về "cách tránh hiểu lầm và giải quyết những khác biệt một cách thân thiện".

Ông Ngụy sau đó cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Rodrigo Duterte. Ông Duterte cho biết chuyến thăm của ông Ngụy đánh dấu việc một phái đoàn cấp cao đầu tiên tới thăm Manila kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và điều đó cho thấy Trung Quốc coi trọng mối quan hệ với Philippines.

Tại cuộc gặp, Trung Quốc cũng cam kết sẽ tài trợ số tiền 20 triệu USD cho Philippines dưới dạng các thiết bị hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Đề nghị thất bại với Indonesia

Trang tin Taiwan News ngày 11-9 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto hôm 8-9 đã từ chối đề nghị của Trung Quốc về thiết lập các cơ sở quân sự ở Indonesia trong chuyến thăm ngày 8-9 của ông Ngụy đến nước này.

Theo đó, ông Prabowo Subianto tuyên bố rằng Indonesia sẽ không bao giờ ký các hiệp định quân sự với bất kỳ quốc gia nào.

Ông Dahnil Simanjuntak - người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Indonesia - nhắc lại nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Indonesia là “tự do và tích cực", nhấn mạnh lãnh thổ của Indonesia sẽ không và không thể được bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, sử dụng làm căn cứ quân sự.

Cách tiếp cận của Malaysia, Brunei

Ông Ngụy ngày 7-9 đã có cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN, trong đó có Malaysia, để duy trì hòa bình ở Biển Đông, theo SCMP.

Ông Ngụy cũng cho biết Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước và thúc đẩy quan hệ giữa quân đội hai bên.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đến thăm Malaysia ngày 7-9. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Ông Zachary Abuza - giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia (Mỹ) - cho rằng chuyến thăm Malaysia của ông Ngụy không gây ngạc nhiên vì Trung Quốc đã tăng cường "ngoại giao quốc phòng" khắp thế giới những năm gần đây.

Malaysia và Brunei là hai trong số bốn quốc gia Đông Nam Á phản đối các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, họ hiếm khi đưa ra tuyên bố công khai về vấn đề này, ngay cả khi Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo, đưa tàu hải cảnh và tàu nghiên cứu đến khu vực, theo SCMP.

Ông Abuza cho biết Malaysia có xu hướng không bao giờ công khai chỉ trích hoặc nêu đích danh Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông vì "đó không phải là phong cách ngoại giao của Malaysia".

"Những gì chúng tôi thấy với Malaysia là họ nói chuyện thông qua hồ sơ pháp lý tại các cơ quan của Liên Hợp Quốc. Và nếu bạn đọc các hồ sơ mới nhất của họ, [họ] rõ ràng là chỉ trích Trung Quốc và các tuyên bố của Bắc Kinh rất mạnh" - ông nói.

Ông Ngụy ngày 9-9 đã có cuộc gặp với Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và ông Haji Awang Halbi - Bộ trưởng Quốc phòng thứ hai của Brunei.

Đằng sau chuyến thăm “ngoại giao quốc phòng” của Trung Quốc

Theo SCMP, các nhà phân tích đánh giá chuyến thăm của Trung Quốc nhằm cân bằng ảnh hưởng với Mỹ vào thời điểm căng thẳng ở Biển Đông đang gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Hội nghị ngoại trưởng ASEAN đang diễn ra.

Quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua căng thẳng trên nhiều phương diện, bao gồm đối đầu chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trước đó, ông La Chiếu Huy - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc phụ trách các vấn đề châu Á - hôm 4-9 đã cáo buộc Mỹ thúc ép các nước Đông Nam Á chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời kêu gọi ASEAN cùng bắt tay với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình, ổn định, thúc đẩy tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương tại khu vực.

Bình luận về chuyến thăm của ông Ngụy trên SCMP, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong cho rằng Trung Quốc không được chỉ nhìn khu vực này "từ góc độ cạnh tranh cường quốc", vì các quốc gia trong khu vực có quyền tự quyết.

"Trung Quốc phải nỗ lực hơn nữa để giành được tình cảm ở vùng biển Đông Nam Á. Chuyến thăm của ông Ngụy Phượng Hòa có thể được nhìn nhận trong bối cảnh này" - ông Liew nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm