Đảng đối lập Campuchia trước sức ép giải tán

Ngày 6-10, Bộ Nội vụ Campuchia đã gửi đơn kiện lên Tòa án Tối cao nước này yêu cầu giải tán đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) trước khi cuộc bầu cử toàn quốc được tổ chức vào năm tới, tờ The Phnompenh Post cho biết.

Sức ép khổng lồ

Sau cuộc họp kín giữa các bộ trưởng và các tướng lĩnh cấp cao của Campuchia, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Khieu Sopheak xác nhận luật sư Ky Tech đã đại diện cho Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng “nộp các khiếu nại lên Tòa án Tối cao và các khiếu nại này có nội dung nhằm giải tán CNPR”.

Ông Sopheak khẳng định cơ quan này đã cho tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về đảng đối lập CNRP và đã thu thập được đầy đủ chứng cứ làm cơ sở gửi đơn khiếu nại lên Tòa án Tối cao Campuchia. “Ông Ky Tech và năm luật sư khác đều có đầy đủ các tài liệu cần thiết. Theo tôi được biết, họ nắm trong tay ít nhất 21 bằng chứng. Bộ Nội vụ đã tiến hành điều tra và thu thập đầy đủ tài liệu. Bộ đã chuyển cho các luật sư để bắt đầu hành động theo đúng quy trình pháp lý” - ông Khieu Sopheak ngày 6-10 xác nhận với báo giới.

Liên tiếp trong các ngày 4 và 5-10, hai đảng chính trị khác của nước này là đảng Tuổi trẻ Campuchia (CYP) và đảng bảo hoàng Funcinpec đã lần lượt gửi kiến nghị đến Bộ Nội vụ Campuchia yêu cầu giải tán đảng đối lập chính tại Campuchia. Phía CYP cáo buộc lãnh đạo CMRP Kem Sokha “lập âm mưu với người nước ngoài với mục đích tạo cách mạng màu” tại Campuchia. Còn phía Funcinpec chỉ trích lãnh đạo đảng đối lập đã lập âm mưu “đảo chính”, đồng thời cho rằng không thể bỏ qua trách nhiệm của toàn bộ CNRP đối với hành vi của ông Sokha.

Phát ngôn viên Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan cùng ngày khẳng định động thái pháp lý nhắm vào CNRP là đúng theo pháp luật. Ông cũng phủ nhận các động thái pháp lý này có động cơ chính trị, khẳng định các chỉ trích chỉ là “sự tưởng tượng” của CNRP.

Ông Kem Sokha, chủ tịch đảng CNRP, đã bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 3-9 vừa qua với cáo buộc phản quốc. Ảnh: AP

CNRP khó vực dậy

Theo tờ The Phnompenh Post, Tòa án Tối cao là cơ quan cao nhất trong hệ thống tư pháp của Campuchia. Một khi tòa án này ra phán quyết giải tán CNRP, đảng này sẽ không có cơ hội xin kháng án.

Nỗ lực pháp lý lần này dựa trên cơ sở các nội dung bổ sung, lần lượt vào tháng 2 và tháng 7-2017, của Luật Các đảng phái chính trị Campuchia, theo tờ The Phnompenh Post. Các điều luật chỉnh sửa nghiêm cấm những ai bị kết án hình sự được nắm giữ vị trí lãnh đạo các đảng phái. Các nội dung chỉnh sửa cũng cấm các đảng phái có hành vi thông đồng với tội phạm hay đe dọa an ninh quốc gia. Trong khi đó, luật sư Ky Tech lại khẳng định vụ kiện đòi giải tán CNRP hiện chưa liên quan đến vụ án của ông Kem Sokha.

Cho dù Tòa án Tối cao Campuchia không đưa ra phán quyết bất lợi cho CNRP, đảng đối lập này vẫn khó có khả năng vực dậy vì thiếu lãnh đạo. Vào ngày 3-9 vừa qua, lãnh đạo CNRP Kem Sokha đã bị cảnh sát Campuchia cho bắt giữ với tội danh phản quốc. Đúng một tháng sau, Phó Chủ tịch CNRP Mu Sochua cũng đã rời khỏi Campuchia sau khi được một quan chức cấp cao cảnh báo khả năng bị bắt giữ. Ngày 3-10, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Sopheak cũng từng xác nhận bà Sochua nằm trong diện bị điều tra có liên quan đến tội danh của ông Kem Sokha.

Theo bà Mu Sochua, nếu như CNRP bị giải tán, đảng đối lập này sẽ đánh mất toàn bộ 55 ghế tại Quốc hội Campuchia và 489 vị trí lãnh đạo địa phương.

Hơn 20 nghị sĩ đảng đối lập Campuchia đã rời khỏi nước này trong vòng một tháng qua sau khi lãnh đạo CNRP Kem Sokha bị bắt giữ, theo The Phnompenh Post.

______________________________

2 người con gái của lãnh đạo CNRP Kem Sokha là Kem Monovithya và Kem Samathida cũng đã rời khỏi Campuchia không lâu sau khi cha họ bị bắt giữ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm