Dân Venezuela không muốn Mỹ can thiệp quân sự nước mình

Cuộc đảo chính ngày 30-4 nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bắt đầu từ lời kêu gọi của lãnh đạo đối lập Juan Guaido đã thất bại. Phía Mỹ, vốn ủng hộ ông Guaido - hiện là chủ tịch Quốc hội do phe đối lập Venezuela kiểm soát, tuyên bố mọi phương án với Venezuela vẫn đang được cân nhắc.

Theo thông tin từ hãng CNN, ngày 3-5 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ đã diễn ra cuộc họp kín bàn khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela. Tham dự cuộc họp có nhiều quan chức quốc phòng, an ninh cấp cao như Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Joseph Dunford và Thứ trưởng Quốc phòng John Rood.

Hai ngày sau đó, trao đổi với đài ABC, ông Pompeo nói Tổng thống Donald Trump “có đầy đủ thẩm quyền” theo hiến pháp để can thiệp quân sự vào Venezuela mà không cần Quốc hội Mỹ cho phép. Bản thân ông Trump cũng nhiều lần nói “mọi phương án đều để ngỏ” khi bàn về vấn đề Venezuela.

Đó là quan điểm của Mỹ, vậy còn người dân và các chính trị gia Venezuela nghĩ thế nào về khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào nước mình?

Can thiệp quân sự chỉ gây nội chiến, chia rẽ

Nhiều năm trời chịu đựng khủng hoảng, thiếu thốn về kinh tế, không phủ nhận thực tế nhiều người dân Venezuela đã hy vọng cuộc đảo chính của phe đối lập thành công, trong đó có nam sinh viên 18 tuổi Pasqual Paulino. Tuy nhiên, trao đổi với báo The Washington Post, Paulino nói dù thất vọng vì đảo chính thất bại, anh còn lo một điều nữa có thể làm cho tình hình tệ hơn. Đó là sự can thiệp quân sự của Mỹ.

Trao đổi với The Washington Post khi tham gia biểu tình phản đối ông Maduro tuần rồi, Paulino đã nói thẳng: “Chúng tôi không muốn điều này. Cứ trừng phạt, cứ tăng thêm áp lực ngoại giao… nhưng đừng gửi quân đội sang. Việc này chỉ dẫn tới một cuộc nội chiến và chỉ gây chia rẽ người dân Venezuela”.

Về phía các chính trị gia ở Venezuela, dù cuộc đảo chính không thành công nhưng phần lớn lãnh đạo đối lập vẫn phản đối hành động can thiệp quân sự của Mỹ.

Người biểu tình Venezuela dù phản đối Tổng thống Nicolas Maduro nhưng không muốn Mỹ can thiệp quân sự vào nước mình. Ảnh: AP

Hồi tuần trước, sau khi thừa nhận nguyên nhân khiến nỗ lực đảo chính thất bại là đã đánh giá thấp sự ủng hộ của quân đội dành cho ông Maduro, bản thân ông Guaido tuyên bố không chấp nhận hành động can thiệp đơn phương của Mỹ. Ông Guaido nói ông sẽ chỉ hoan nghênh sự ủng hộ về quân sự của Mỹ trong trường hợp lực lượng Mỹ phải chiến đấu bên cạnh lực lượng quân đội Venezuela - thành phần vừa từ chối đứng về phe ông Guaido trong cuộc chính biến vừa rồi.

Một số nhân vật đối lập nói với The Washington Post rằng nhiều lãnh đạo đối lập tin rằng quân Mỹ có thể gây ra xung đột nội bộ trong quân đội, trong các lực lượng không chính quy ủng hộ ông Maduro, thậm chí trong các băng nhóm tội phạm ở Venezuela. Sự can thiệp của Mỹ cũng có thể hủy hoại hình ảnh một lãnh đạo bình dân mà ông Guaido muốn tạo dựng, thay vào đó là hình ảnh mà ông Maduro lâu nay vẫn gán cho ông Guaido: Một công cụ điều khiển của Mỹ.

57 người chết trong các cuộc xung đột biểu tình ở Venezuela từ đầu năm đến nay, theo số liệu mà The Washington Post thu thập được. 

Phe đối lập không tìm kiếm can thiệp quân sự từ bên ngoài

Nghị sĩ Carlos Valero, người ủng hộ ông Guaido tại Quốc hội Venezuela, lo ngại sự can thiệp quân sự của Mỹ sẽ “mang lại nhiều vấn đề hơn giải pháp”. Theo ông, thay vì nghĩ đến sự can thiệp quân sự của Mỹ, phe đối lập nên tiếp tục tăng cường áp lực trong nước. Ông Valero cho rằng vụ đảo chính vừa rồi tuy thất bại nhưng đã thể hiện sức mạnh của phe đối lập, “dù thực tế hiện tại lực lượng vũ trang vẫn từ chối thay đổi”. Theo ông, quyền lực của ông Maduro sau đảo chính đã suy yếu hơn nhiều với trước đảo chính.

Ông Valero cho biết phe đối lập sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ, châu Âu và một số nước Mỹ La-tinh nhưng khẳng định phe đối lập không tìm kiếm một sự can thiệp quân sự từ bên ngoài mà chỉ muốn một sự thay đổi hòa bình.

Nhà phân tích chính trị Félix Seijas, Giám đốc công ty thăm dò Delphos ở Venezuela, cho biết chưa tới 1/5 người dân nước này mà ông tiếp cận khảo sát trong năm nay ủng hộ một sự can thiệp quân sự từ bên ngoài. Theo ông, những người ủng hộ điều đó cho rằng ở thời điểm này đây là phương án duy nhất, dù bình thường họ không cổ súy bạo lực.

Theo hai nhà nghiên cứu Michael Shifter và Bruno Binetti thuộc tổ chức Đối thoại nội bộ châu Mỹ chuyên nghiên cứu các vấn đề Tây bán cầu, sức mạnh chính hay nói cách khác lực lượng nắm vai trò quyết định cục diện khủng hoảng Venezuela hiện tại là quân đội nước này. Dù có một bộ phận sĩ quan quân đội bỏ ngũ sang ủng hộ phe đối lập nhưng cuộc đảo chính thất bại vừa qua cho thấy lực lượng vũ trang Venezuela vẫn rất kỷ luật, các tướng lĩnh vẫn có ảnh hưởng và chỉ huy được binh sĩ dưới quyền.

Nói vậy thì có vẻ cuộc chiến giữa Tổng thống Maduro và ông Guaido hiện giờ là tranh giành sự ủng hộ từ quân đội, tuy nhiên tình hình phức tạp hơn. Quân đội có thể thôi ủng hộ Tổng thống Maduro nhưng một chính phủ vắng ông Maduro không có nghĩa là ông Guaido sẽ ngồi vào vị trí tổng thống, theo hai nhà nghiên cứu Shifter và Binetti.

Nhiều nhà phân tích cho rằng quân Mỹ có thể áp đảo phòng không Venezuela trong vài giờ. Nhưng Venezuela vẫn sở hữu một lượng đáng kể vũ khí quân sự từ Nga, cũng như có sự hỗ trợ của một lượng không nhỏ cố vấn quân sự Cuba và Nga.

Đa số nhà phân tích không nghiêng về khả năng Mỹ đánh Venezuela. Thậm chí nếu Mỹ có đánh phủ đầu Venezuela đi nữa - như chiến dịch Mỹ tấn công lãnh đạo Panama Manuel Antonio Noriega hồi năm 1989 - có thể sẽ tạo ra khuyết thiếu quyền lực, kích động xung đột nội bộ và gây chia rẽ liên minh các nước Mỹ La-tinh hiện đang bắt tay nhau lật ông Maduro. Giữa tháng 4, nhóm Lima gồm 13 nước Mỹ La-tinh và Canada đã họp và bác bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela dù ủng hộ Mỹ hạ bệ ông Maduro. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm