Dân số Hong Kong giảm 1,2%, điều gì thúc đẩy người đặc khu di cư?

Hãng tin AFP dẫn dữ liệu dân số Hong Kong cuối năm 2020 công bố ngày 12-8 cho biết dân số đặc khu đã giảm 1,2% trong năm 2020, khi gần 90.000 công dân di cư. Bên cạnh đó, theo tính toán dân số Hong Kong giữa năm 2021 thì dân số đặc khu thời điểm này là 7.394.700 người,  giảm 87.100 người tương đương 1,2% so với cùng thời điểm năm ngoái. Từ thực tế này có thể thấy đà giảm nhiều khả năng sẽ chưa ngừng lại trong thời gian tới.

Thực tế này có phần liên quan đến sự việc luật an ninh quốc gia có hiệu lực ở Hong Kong từ ngày 30-6-2020. Từ sau diễn biến này, tại Hong Kong, bên cạnh làn sóng biểu tình và người bị bắt giữ thì hiện tượng dễ thấy nhất là làn sóng người rời khỏi đặc khu ngày càng lớn và chưa thấy có dấu hiệu giảm bớt, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Nghỉ làm, nghỉ học, rút tiền ra đi

Trước năm 2016 vợ chồng ông Wong – hơn 50 tuổi - và cậu con trai 16 tuổi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện di cư, tuy nhiên sau sự kiện Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia lên Hong Kong và các diễn biến bất ổn sau đó, vợ chồng ông lên kế hoạch nghỉ việc, rút tiền tiết kiệm, rút hồ sơ học của con để sang Anh. Gia đình ông Andy Wong nằm trong số hàng chục ngàn người Hong Kong quyết định sẽ rời đặc khu chuyển sang sống ở các nước khác, sau sự kiện Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia.

Quang cảnh sân bay Hong Kong. Ảnh: Edmond So/SCMP

SCMP dẫn số thống kê của Phòng Giáo dục Hong Kong cho thấy có khoảng 19.300 học sinh (3% tổng số học sinh đặc khu) rút khỏi các trường tiểu học và trung học công lẫn tư trong năm học 2020-2021, nhiều gần gấp đôi số 10.400 học sinh rút hồ sơ năm trước đó. Nhà khoa học chính trị Ivan Choy Chi-keung tại ĐH Trung Quốc nói ông chứng kiến rất nhiều sinh viên bỏ học trong năm vừa rồi, điều ông chưa từng thấy trong 20 năm qua.

Dữ liệu từ cơ quan quản lý Quỹ dự phòng bắt buộc (MPF) Hong Kong cho thấy từ tháng 7 đến tháng 9 năm ngoái đã có hơn 8.100 đề nghị rút tiền tổng số tiền 1,7 tỉ đô Hong Kong (gần 5,025 tỉ đồng). Trong khi đó, từ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái – thời điểm luật an ninh quốc gia chưa có hiệu lực, tổng số tiền được rút là 990 triệu đô Hong Kong (hơn 2.926 tỉ đồng).

Số đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận chưa có tiền án tiền sự - một điều kiện tiên quyết cho một số chương trình nhập cư – cũng tăng cao. Trong năm tháng đầu năm, cảnh sát Hong Kong nhận tới khoảng 15.700 yêu cầu, tương đương 67% so với 23.500 yêu cầu của cả năm 2018.

Ông Jim Thompson - nhà sáng lập và chủ tịch Crown Worldwide Group, một công ty quy mô lớn về di cư với 450 nhân viên – cho biết số lượng hồ sơ công ty ông giải quyết sang Anh trong sáu tháng đầu năm 2021 tăng 20% so với hai năm trước. Trong khi đó số người chọn di cư đến Hong Kong giảm.

117 người bị bắt trong một năm Hong Kong áp dụng luật an ninh quốc gia theo lệnh từ Bắc Kinh, theo SCMP. Luật an ninh quốc gia cấm các hành động ly khai, lật đổ, khủng bố, thông đồng với các lực lượng nước ngoài chống phá an ninh đặc khu.

 

Luật an ninh chưa hẳn là lý do duy nhất

Nhiều nhà khoa học chính trị nhận xét làn sóng di cư hiện tại không giống các làn sóng di cư trong quá khứ, chẳng hạn thời điểm trước khi Anh trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc. Theo TS Cheung Chor-yung, nhà khoa học chính trị tại ĐH Thành phố, những người rời Hong Kong lúc đó phần nhiều là thành phần có tiền, trí thức, họ bỏ đi vì không chắc chắn điều gì sẽ đến khi Hong Kong được trả về Trung Quốc. Hơn 500.000 người rời Hong Kong trong thời gian từ năm 1987-1996. Song có khoảng 120.000 người chọn trở về trong khoảng năm 1997, sau khi có được tư cách thường trú nhân ở các nước khác. Còn lúc này đối tượng chọn rời Hong Kong bên cạnh giới trí thức còn có các gia đình trung lưu với cả trẻ em, bộ phận người trẻ ở lứa tuổi 20.

Có một thực tế là bên cạnh lo ngại luật an ninh thì còn có một động cơ mạnh nữa để người Hong Kong chọn ra đi nhiều như vậy. Sau khi Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia lên Hong Kong, các nước Anh, Canada, Úc nới lỏng chính sách nhập cư cho dân đặc khu, và rất nhiều người Hong Kong xem đây là cơ hội để họ có thể có cuộc sống tốt hơn không chỉ về kinh tế mà còn về giáo dục và tương lai con cái. Như lời ông Wong, “giờ Anh mở cửa cho người Hong Kong, chúng tôi muốn nắm cơ hội này để mang lại cho con trai một tương lai tốt hơn, tôi lo nếu không đi năm nay thì có thể sẽ không đi được sau này”. Trong khi đó, theo nhà khoa học chính trị Ivan Choy, nhiều sinh viên đã tận dụng chính sách của các nước để sang học và sau đó xin tư cách công dân ở các quốc gia đó.

Trong số những quốc gia lên án việc Bắc Kinh gia tăng kiểm soát Hong Kong thì Anh là nước phản ứng mạnh nhất. Từ tháng 1-2021, người Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại của Anh (BNO) được cho phép đưa gia đình tới Anh ở lại trong năm năm, sau đó có thể nộp đơn xin cấp quyền công dân.

Tính đến tháng 5 đã có hơn 34.000 người Hong Kong nộp đơn xin di cư sang Anh và đã có 7.200 trường hợp được chấp nhận. Anh ước tính từ đây cho tới năm 2025 sẽ có khoảng 322.000 người Hong Kong với hộ chiếu BNO di cư sang. Trong 7,5 triệu dân Hong Kong thì có tới 5,4 triệu người đủ tiêu chuẩn di cư sang Anh.

Hồi tháng 5, Canada cho biết trong ba tháng thực hiện chính sách di cư mới với người Hong Kong thì đã có 5.727 đơn xin di cư được nộp. Chính sách mới cho phép người Hong Kong tốt nghiệp từ một trường ĐH Canada trong năm năm qua có thể ở và làm việc tại Canada trong ba năm. Người Hong Kong tốt nghiệp các trường ĐH nước khác mà Canada công nhận cũng được hưởng chính sách tương tự. Canada cũng cho phép người Hong Kong đang làm việc tại nước này xin được cấp quyền thường trú nhân.

Úc cũng là một điểm đến được chọn nhiều của người Hong Kong. Tháng 7 năm ngoái Úc công bố lộ trình cho người Hong Kong có được quyền công dân ở nước này. Từ thời điểm đó đến giờ Úc cũng đã gia hạn visa cho hơn 2.500 người Hong Kong tại Úc.

Hong Kong thuyết phục dân ở lại

Nhà chức trách Hong Kong nhận ra làn sóng này và cũng đang nỗ lực thuyết phục người dân không chọn ra đi. Giám đốc cơ quan phụ trách tài chính đặc khu – ông Paul Chan Mo-po nhận định lý do chính để mọi người quyết định rời đi là họ tính đến việc làm, giáo dục, và các cơ hội làm ăn. Ông Chan tự tin rằng Hong Kong vẫn có rất nhiều lợi thế về mọi mặt trên, khi “việc ban hành luật an ninh quốc gia đã giúp khôi phục sự ổn định xã hội và chính trị ở Hong Kong, tạo môi trường an toàn và bảo mật thuận lợi cho việc kinh doanh và đầu tư cho các công ty từ khắp nơi trên thế giới”.

Theo lời ông Chan thì thị trường tài chính vẫn rất mạnh khỏe trong nửa cuối năm ngoái, các chỉ số kinh tế đều tăng trưởng. Tới thời điểm hiện tại, lĩnh vực kinh doanh ở Hong Kong vẫn không thấy thể hiện sự lo lắng về luật an ninh quốc gia.

Khảo sát của lãnh sự quán Nhật tại Hong Kong cho thấy mức độ lo lắng về luật an ninh quốc gia của người Nhật kinh doanh tại đặc khu trong ba tháng đầu năm nay ít hơn so với ba tháng cuối năm ngoái. Gần 70% của 228 người được hỏi nói chuyện kinh doanh của họ không bị ảnh hưởng, chỉ 6,4% nói có bị ảnh hưởng.

Một khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong (AmCham) cho thấy 58% người được hỏi không có kế hoạch rời đặc khu, dù có không thoải mái với luật an ninh.

Theo ông Thompson - người Mỹ năm nay 82 tuổi đã có 42 năm sống ở Hong Kong, luật an ninh quốc gia đã giúp khôi phục hòa bình và sự ổn định cần thiết, và tình hình đặc khu không đáng sợ như mọi người nói. Ông Thompson nói ông tin sẽ có nhiều người quay về, điều đã diễn ra sau năm 1997.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm