Dân Afghanistan thêm khốn khổ khi giá lương thực tăng cao, ngân hàng đóng cửa

Chỉ một tuần sau khi Taliban kiểm soát Kabul, người dân Afghanistan phải đối mặt với cuộc đấu tranh hàng ngày để có được việc làm, những khó khăn từ việc giá lương thực tăng cao và các ngân hàng vẫn đóng cửa.

Nỗi lo lắng hàng ngày về thức ăn và tiền thuê nhà đang gia tăng thêm sự bất ổn ở Afghanistan, một quốc gia có nền kinh tế mỏng manh vốn đã bị tổn thất nặng nề do không còn các nguồn hỗ trợ quốc tế, hãng Reuters đưa tin.

Một thành viên của lực lượng Taliban canh gác tại một trạm kiểm soát ở Kabul, Afghanistan, vào ngày 17-8. Ảnh: REUTERS

"Tôi hoàn toàn bối rối, không biết mình nên lo việc gì trước tiên, sự an toàn và sống sót của mình hay việc nuôi con và gia đình" - một cựu cảnh sát hiện đang lẩn trốn, người đã mất công việc với đồng lương 260 USD một tháng để nuôi vợ và bốn đứa con, chia sẻ.

Người này tiết lộ ông vẫn chưa nhận được tiền lương của hai tháng qua, giống như nhiều nhân viên chính phủ cấp thấp khác, những người thường xuyên phải đi công tác dài ngày mà không được trả lương.

"Tôi đang sống trong một căn hộ cho thuê, tôi đã không trả tiền nhà cho chủ căn hộ ba tháng rồi" - ông nói.

Người này cho biết thêm rằng ông đã cố gắng bán một đôi nhẫn và một đôi bông tai của vợ mình để kiếm thêm tiền, song giống như nhiều doanh nghiệp khác, các tiệm vàng đều đóng cửa và ông không thể tìm được người mua: "Tôi rất bất lực và không biết phải làm gì”.

Người dân Afghanistan xếp hàng bên ngoài một ngân hàng ở Kabul, vào ngày 18-8. Ảnh: THE STRAITS TIMES

Ngay cả trước khi Taliban tràn vào thủ đô Kabul hôm 15-8, điều kiện sinh sống tại đây đã trở nên tồi tệ hơn khi giá trị đồng nội tệ Afghanistan giảm nhiều so với đồng USD, khiến giá lương thực thực phẩm tăng cao hơn bao giờ hết.

Giá các mặt hàng chủ lực như bột mì, dầu và gạo đã tăng tới 10%-20% trong vài ngày và với việc các ngân hàng vẫn đóng cửa, nhiều người đã không thể tiếp cận được tiền tiết kiệm của họ. 

Ngoài ra, việc các văn phòng của công ty dịch vụ tài chính và truyền thông toàn cầu Mỹ Western Union đóng cửa cũng khiến lượng kiều hối từ nước ngoài cạn kiệt, theo Reuters.

"Mọi vấn đề đều do tình hình của đồng USD. Có một số cửa hàng thực phẩm mở cửa nhưng chợ thì vắng tanh" - một cựu nhân viên chính phủ Kabul đang lẩn trốn vì sợ Taliban trả đũa tiết lộ.

Lực lượng quân đội Mỹ đứng canh gác tại sân bay Kabul. Ảnh: AP

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng trên khắp đất nước còn làm trầm trọng thêm những khó khăn mà người dân Afghanistan đang phải đối mặt. Hàng nghìn người đã phải di chuyển đến các thành phố lớn để cố gắng sống sót trong những căn lều và nơi trú ẩn tạm bợ.

Cùng ngày, các nhóm viện trợ quốc tế cho biết việc ngừng các chuyến bay thương mại đến Afghanistan đồng nghĩa với việc không có cách nào để người dân nước này có được nguồn cung thuốc men và các khoản viện trợ khác.

"Mọi thứ đã kết thúc. Không chỉ chính phủ sụp đổ, mà là hàng nghìn người dân như tôi, những người có cuộc sống phụ thuộc vào mức lương hàng tháng khoảng 200 USD" - một nhân viên chính phủ khác giấu tên cho hay.

“Chúng tôi đang mắc nợ vì chính phủ đã không trả lương cho chúng tôi trong hai tháng qua. Mẹ già của tôi bị bệnh, bà ấy cần thuốc men, còn các con và gia đình tôi cần thức ăn. Xin Chúa giúp chúng tôi” - ông nói thêm.

Video: Cảnh tượng nhói lòng tại sân bay Kabul
Video: Cảnh tượng nhói lòng tại sân bay Kabul
(PLO)- Đoạn video ghi lại cảnh binh sĩ Mỹ đưa một em bé vài tháng tuổi người Afghanistan qua bức tường chắn tại sân bay Kabul đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm