Đàm phán xuyên đêm, bà Merkel phá thế bế tắc

Theo đó, SDP và liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) cùng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) sẽ sớm bắt đầu đàm phán chính thức thành lập chính phủ mới. Hãng tin CNN cho biết các bên đã bàn luận suốt 24 giờ, xuyên đêm để đi đến thỏa thuận. Bước ngoặt này có thể mở đường cho CDU/CSU và SPD tái lập “liên minh đảng lớn” đã nắm quyền kiểm soát chính phủ suốt tám năm qua.

Phát biểu tại buổi họp báo ngày 12-1, bà Merkel đánh giá bước đột phá này là “một sự khởi đầu mới” cho nước Đức. “Chúng tôi đã ở đây suốt 24 giờ. Tôi từng không dám chắc rằng chúng tôi sẽ thành công. Tôi đã dự đoán rằng đối thoại sẽ rất khó khăn nhưng các bên đã hành động với tinh thần tìm kiếm giải pháp” - bà Merkel nhấn mạnh yếu tố giúp đối thoại đạt được thành công.

Trong khi đó, ông Schulz thừa nhận 24 tiếng đồng hồ đối thoại trôi qua với nhiều “giai đoạn sóng gió”. Lãnh đạo của SPD nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng sức mạnh kinh tế và chính trị của nước Đức sẽ được tận dụng để xây dựng một châu Âu vững mạnh hơn”. Ông Schulz cũng cho biết SPD và liên đảng CDU/CSU đã chuẩn bị trước được nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán sơ bộ sắp tới, theo hãng tin Sputnik (Nga).

Theo hãng tin CNN, để các cuộc đàm phán xây dựng chính phủ liên minh được khởi động, SPD vẫn cần sự chấp thuận chính thức từ các thành viên đảng này. Sau đó, quá trình đàm phán sẽ còn mất thêm một vài tháng nữa mới có thể thành lập chính phủ mới.

Với việc SPD quay trở lại liên minh với liên đảng của bà Merkel, đảng lớn nhất trong phe đối lập tại Quốc hội Đức thời gian tới sẽ là đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), theo xu hướng cực hữu. Đảng này đã giành được kết quả tốt bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9-2017, một phần nhờ tận dụng các bất cập trong chính sách nhập cư của bà Merkel. Theo hãng tin DW (Đức), Ủy ban Ngân sách tại Quốc hội Đức theo truyền thống thường được đứng đầu bởi chính trị gia đến từ đảng có số phiếu cao nhất trong nhóm đối lập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm