Đàm phán Mỹ-Triều: Đột phá cho một nền hòa bình tương lai?

Trong một động thái mà trước đó nhiều người vẫn nghĩ là điều không tưởng, ông Kim đã xuất hiện tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) để có cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo một quốc gia vốn là “thù địch” như Mỹ, chỉ hơn 24 tiếng sau khi ông Trump ngỏ ý gặp ông Kim qua một dòng Twitter vào sáng 29-6.

Có thể khẳng định rằng cuộc gặp ngày 30-6 trước hết thể hiện cá tính “không thể đoán trước” của ông Trump, song việc chấp nhận một cuộc gặp bất ngờ như vậy của ông Kim mang đến nhiều hơn niềm hy vọng về một sự đổi mới, một nét chấm phá khác hẳn với những người lãnh đạo Triều Tiên tiền nhiệm.

Cuộc gặp của những bất ngờ

Cuộc gặp này được thu xếp tưởng như không thể nhanh hơn được nữa. Chỉ hơn một ngày sau dòng Twitter đầy “ngẫu hứng” của ông Trump thì hai người đã gặp nhau. Điều này cho thấy trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên nói chung và giữa ông Trump với ông Kim Jong-un nói riêng luôn có thể xảy ra đột biến vào bất cứ khi nào.

Ban đầu ông Kim Jong-un đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhận được lời mời của ông Trump nhưng sau đó đã đáp lại rằng “muốn gặp lại ông Trump lần nữa” và tổng thống Mỹ đã đáp lại, gọi đây là “giây phút đặc biệt” giữa hai nhà lãnh đạo, theo hãng tin CNN.

Phải thấy rằng đây là cuộc gặp mặt của những “lần đầu tiên”. Ông Trump là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên và cũng là lần đầu tiên có cuộc hội ngộ giữa tổng thống Mỹ, tổng thống Hàn Quốc (HQ) và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Việc ông Trump bước qua biên giới hai miền Triều Tiên được cho là khoảnh khắc “tuyệt vời, phi thường”, tiếp nối hành động của Tổng thống HQ Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018.

Về địa điểm, DMZ là giới tuyến chiến tranh còn lại duy nhất trên thế giới và được xem là biểu tượng của thù hận và chia rẽ, cái bắt tay và nụ cười của ba nhân vật chính trị hàng đầu ở lằn ranh này đã khiến nơi đây trở thành một biểu tượng hòa giải không thể hoàn hảo hơn.

Sau khi kết thúc cuộc hội đàm kín diễn ra trong gần 1 giờ, đích thân ông Trump và Tổng thống Moon đã cùng tiễn ông Kim quay về Triều Tiên kèm lời ca ngợi cuộc gặp với ông Kim “là một ngày huyền thoại đi vào lịch sử”. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh cuộc gặp Trump-Kim lần này đã mang lại niềm hy vọng cho “80 triệu người hai miền Triều Tiên” và tin rằng các bên “đã vượt qua được những trở ngại trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa và lập lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” thông qua sự kiện lần này. Truyền thông Triều Tiên hôm qua, 1-7, cũng đã đánh giá cao cuộc gặp này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân sự Triều Triên. Ảnh: BBC

Viễn cảnh hòa bình trên bán đảo

Sau cuộc gặp lịch sử trên, tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về việc dỡ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để đổi lấy việc hủy bỏ lệnh trừng phạt được nối lại sau một thời gian đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.

Cụ thể hơn, ông Trump cũng cho biết hai bên sẽ tiếp tục nối lại đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, mở đầu bằng buổi làm việc của phái đoàn hai nước tiến hành trong vài tuần tới. Tuy nhiên, ông Trump cũng khẳng định ông không muốn hối thúc phải đạt được một thỏa thuận với Bình Nhưỡng ở thời điểm hiện tại vì “không ai biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào”.

Một cuộc gặp cấp cao mới giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian tới đã trở nên khả thi hơn và khả năng ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên tới thăm Mỹ cũng đã trở nên thực tế hơn trước rất nhiều. Đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên được kỳ vọng sẽ có bước tiến triển rõ nét hơn. 

Tín hiệu đáng mừng là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhanh chóng lên tiếng rằng ông hy vọng các cuộc đàm phán với Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân sẽ được nối lại vào giữa tháng 7, hãng thông tấn HQ Yonhap đưa tin hôm 1-7.

Về phía ông Kim, theo GS Lim Eul-chul của Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc ĐH Kyungnam (HQ), nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ có thể kiên định với quan điểm hiện tại của mình trong những lĩnh vực then chốt, như các lệnh trừng phạt và đảm bảo an ninh nhưng sự quyết đoán mà ông Kim đã chứng tỏ thông qua cuộc gặp ở DMZ làm dấy lên hy vọng rằng ông có thể đưa ra một số “quyết định táo bạo” trong các cuộc đàm phán.

Ngoài ra, có một động thái đáng lưu ý khác đến từ truyền thông Triều Tiên sau cuộc gặp lịch sử. Trang Uriminzokkiri của Triều Tiên ngày 30-6 đưa ra cảnh báo rằng bế tắc trong quan hệ hai miền Triều Tiên có thể tiếp diễn nếu Seoul không từ bỏ lập trường “phụ thuộc vào Mỹ”.

“Tất cả đều nhất trí với một nhận định rằng không có bất cứ vấn đề nào có thể được giải quyết nếu nhà chức trách HQ không thể đưa ra bất cứ quyết định nào của riêng họ mà không có Mỹ. Nếu HQ không từ bỏ lập trường phụ thuộc vào Mỹ, quan hệ Bắc-Nam sẽ không thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay” - theo Uriminzokkiri. Tuy nhiên, cơ quan truyền thông này không trực tiếp chỉ trích Mỹ, điều đó thể hiện cử chỉ có phần “thân thiện”, dọn đường cho hai bên tiếp tục tiến vào bàn đàm phán.

Với những dấu hiệu trên, có thể nhận thấy một hội nghị thượng đỉnh mới giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian tới đã trở nên thực tế và khả thi hơn rất nhiều. Thậm chí viễn cảnh ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên tới thăm Mỹ cũng đã không còn phi thực tế. Đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên được kỳ vọng sẽ có bước tiến triển rõ nét hơn trong thời gian tới.

Cuộc gặp hôm 30-6 còn đặc biệt đáng chú ý về vấn đề thời điểm, trong khi mối quan hệ Mỹ và Iran ở vùng Vịnh đang ngấp nghé bờ vực chiến tranh thì ông Trump lại cho thấy một bộ mặt thân thiện và hòa hiếu với Triều Tiên. Hai chính sách ngoại giao gần như đối lập và càng minh chứng cho sự bất ngờ trong hành động của ông Trump.

Nhiều phân tích cho biết ông Trump đang tạo dựng sự tương phản về mức độ quan hệ song phương giữa Mỹ-Triều và Mỹ-Iran nhằm răn đe và cô lập nước cộng hòa Hồi giáo. Có thể thông điệp của ông Trump được đưa ra thông qua cuộc gặp này là đối với cùng một vấn đề nhưng Mỹ có thể hòa giải được với Triều Tiên trong khi vẫn có thể làm căng với Iran và không cần nhất thiết phải vội vàng giải quyết vấn đề với Iran.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, mục đích của ông Trump lần này là muốn chứng minh cho Trung Quốc và Nga thấy rằng Mỹ - HQ - Triều Tiên vẫn đang làm chủ và dẫn dắt tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như thừa khả năng làm thất bại mọi suy tính của Trung Quốc và Nga về “lá bài Triều Tiên” trong quan hệ của họ với Mỹ, không để cho Bắc Kinh và Moscow có cơ hội được lợi từ sự phân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm