Đàm phán hạt nhân Iran: Triển vọng giữa nhiều thách thức

Ngày 6-4 (giờ địa phương), các phái đoàn Iran và các nước thuộc nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) sẽ nhóm họp trực tiếp tại thủ đô Vienna (Áo), thảo luận về số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015. Trong bối cảnh bốn năm căng thẳng Mỹ - Iran với nhiều lúc tưởng chừng chiến tranh đã cận kề, việc Iran chịu ngồi đàm phán hòa bình với nhóm P5+1 là một bước đột phá lớn.

Phái đoàn Mỹ (trái) và phái đoàn Iran (phải) trong cuộc gặp ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 6-2015. Ảnh: REUTERS

Theo quan điểm của chúng tôi, ưu tiên trước mắt là phải đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân đang leo thang với Iran khi nước này đang tiến tới việc có đủ nguyên liệu để sản xuất vũ khí. Chúng tôi sẽ tái lập một số cam kết có tính ràng buộc xung quanh vấn đề hạt nhân Iran để đảm bảo kịch bản đó không xảy ra.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ JAKE SULLIVAN 

Bước khởi đầu tích cực

Cuộc gặp được đánh giá là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên nhằm khôi phục thỏa thuận sau gần ba năm Mỹ đơn phương rút khỏi dưới nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump. Cuối tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) và Iran cũng đã có cuộc họp trực tuyến thảo luận về khả năng Mỹ quay trở lại với thỏa thuận và cách thức đảm bảo tất cả các bên thực thi nghiêm túc văn kiện này.

Hãng tin Reuters cho biết theo thông tin mà các nước tham gia đã tuyên bố, hội nghị ngày 6-4 dự kiến sẽ đưa ra các nội dung rõ ràng về các bước Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran, lộ trình để Iran thực hiện các cam kết theo thỏa thuận về cắt giảm quy mô chương trình hạt nhân trong nước, cũng như thảo luận về tổ chức các cuộc họp giữa các ủy ban gồm các chuyên gia chuyên ngành.

Hôm 4-4, trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và người đồng cấp Anh Dominic Raab theo đề nghị của London, ông Raab đã khẳng định nước này sẽ nỗ lực hết sức để các cuộc đàm phán mang lại kết quả. Ông Zarif thì kêu gọi các nước châu Âu tham gia đàm phán lần này phải có tinh thần “xây dựng”, nhắc lại lập trường từ trước đến nay về thỏa thuận hạt nhân của nước này sẽ không thay đổi. Ông cũng đề nghị các nước châu Âu phải hành động, thực thi mọi nghĩa vụ trong thỏa thuận và dừng thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Hãng thông tấn IRNA (Iran) ngày 4-4 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi, người sẽ dẫn đầu phái đoàn ngoại giao Iran tham gia hội nghị Vienna, cho biết nước này sẽ “không nói chuyện trực tiếp hoặc gián tiếp với Mỹ tại Vienna”.

Chính sách của Iran về vấn đề này rất rõ ràng và đơn giản: Mỹ phải quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015, tuân thủ thỏa thuận và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Iran” - quan chức Iran nói.

Theo lời ông Araqchi, phái đoàn của Tehran sẽ chỉ gặp các nước còn lại thuộc nhóm P5+1 và đại diện EU.

Trong một diễn biến khác có liên quan cùng ngày, Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi cho biết nước này đã sản xuất được 50 kg nguyên liệu uranium với độ tinh khiết 20%. Theo kế hoạch, AEOI sẽ tiến hành sản xuất 120 kg uranium tinh khiết 20% trong vòng một năm. Tuy nhiên, theo ông Salehi, nếu Mỹ đồng ý quay trở lại thỏa thuận và Iran kiểm chứng được điều đó, Tehran sẽ có thể ngay lập tức ngừng việc làm giàu uranium tinh khiết 20% cũng như những hoạt động tương tự. 

Thách thức cần phải giải quyết

Theo hãng tin Politico, để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như đảm bảo thỏa thuận được tuân thủ trong tương lai đòi hỏi các bên đối thoại phải tìm cách thỏa mãn điều kiện của nhau trong bối cảnh cả Mỹ và Iran đều chưa thay đổi lập trường của mình.

Mỹ vẫn theo đuổi cách tiếp cận là Iran phải tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận trước, rồi mới xem xét dỡ bỏ cấm vận từng phần. Ngược lại, Iran cương quyết bảo vệ quan điểm là các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ hoàn toàn trước khi tiến hành đàm phán. Việc Mỹ và Iran kiên quyết theo đuổi cách tiếp cận trái chiều này phản ánh thực tế là lòng tin giữa các bên vẫn chưa được thiết lập, nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng không ít tới hội nghị sắp tới.

Cũng cần lưu ý là sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, Nhà Trắng đã có một số động thái tích cực với Iran. Có thể kể đến việc hủy bỏ quyết định khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran, dỡ bỏ lệnh cấm đi lại nhằm vào giới chức Iran tại New York, đồng thời thể hiện quan điểm muốn tham gia trở lại thỏa thuận và chấp nhận lời đề nghị của các đồng minh châu Âu tham gia thảo luận về vấn đề này.

Điều này cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden muốn hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran bằng các biện pháp ngoại giao, thay vì chính sách “gây áp lực tối đa” như thời ông Trump. Về cơ bản, đây là cách tiếp cận “dễ thở” và kiến tạo cơ hội hơn cách làm cũ nhưng nhìn chung vẫn là Washington muốn Tehran làm theo yêu cầu của mình nên sẽ chưa đủ sức thuyết phục lòng tin của Iran.

Trên thực tế, giới lãnh đạo Mỹ khi bước vào hội nghị Vienna cũng đã nhận thức rõ các khó khăn khi đối thoại với Iran. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki trong cuộc họp báo ngày 4-4 đã lên tiếng thừa nhận: “Chúng tôi nhận thức rõ về những trở ngại còn tồn tại và sẽ cân nhắc làm những việc cần thiết để tiến trình đàm phán được thuận lợi trong khả năng của mình. Chúng tôi hiện tại không quá kỳ vọng vào khả năng có thêm một cuộc gặp song phương giữa Mỹ và Iran nhưng sẽ giữ thái độ cầu thị”.

Nhìn chung, bước đột phá chỉ có thể đạt được nếu cả Mỹ và Iran cùng thiện chí đối thoại. Một thỏa thuận được tôn trọng đầy đủ sẽ là điểm tích cực về an ninh cho toàn bộ khu vực và là cơ sở vững chắc cho mọi cuộc thảo luận khác trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm