Đại sứ Nga bị ám sát, Putin tuyên chiến với khủng bố

Liên quan vụ đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị bắn chết, ngày 20-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc họp đặc biệt với Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Sergey Naryshkin và Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Alexander Bortnikov.

Đại sứ Karlov bị bắn năm phát vào lưng từ vị trí rất gần khi ông đang phát biểu khai mạc một sự kiện triển lãm ảnh ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) tối 19-12. Ông được đưa đến bệnh viện nhưng qua đời sau đó. Kẻ ám sát là sĩ quan cảnh sát Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi được giao nhiệm vụ bảo vệ đại sứ Karlov.

Đại sứ Andrei Karlov ngã gục sau khi bị kẻ ám sát Mevlut Mert Altintas bắn 5 phát vào lưng từ vị trí gần. Ảnh: AFP
Đại sứ Andrei Karlov ngã gục sau khi bị kẻ ám sát Mevlut Mert Altintas bắn năm phát vào lưng từ vị trí gần. Ảnh: AFP

Theo Tass, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ tăng cường nỗ lực chống khủng bố toàn cầu, thề sẽ tăng cường cuộc chiến chống khủng bố, vì đây là cách trả lời duy nhất với việc đại sứ Karlov bị ám sát. Ngay sau vụ ám sát, Tổng thống Putin đã cho rằng đây là một vụ tấn công khủng bố.

Tổng thống Putin đã chỉ đạo tăng cường an ninh các đại sứ quán Nga ở các nước, và muốn Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo an toàn cho các nhân viên ngoại giao Nga.

Tổng thống Putin chờ đợi làm rõ ai đứng sau vụ ám sát đại sứ Karlov. Ông cho biết Ủy ban Điều tra Nga đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ ám sát. Các nhà điều tra Nga đang chuẩn bị sang Thổ Nhĩ Kỳ, hợp tác với các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ việc.

Đại sứ Andrei Karlov (trái) và Tổng thống Putin tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng trước. Ảnh: REUTERS
Đại sứ Andrei Karlov (trái) và Tổng thống Putin tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng trước. Ảnh: REUTERS

Ngay sau vụ việc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã điện đàm với Tổng thống Putin. Cả hai thống nhất mục tiêu của kẻ ám sát là nhằm kích động, chia rẽ hai nước. Hai nước ủng hộ hai phe đối lập nhau trong cuộc nội chiến Syria, Nga ủng hộ chính phủ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe nổi dậy. Tuy nhiên, gần đây hai nước đã ngồi lại đàm phán về tình hình Syria và kết quả là đạt được thỏa thuận ngưng bắn, cho phe nổi dậy đầu hàng và rút khỏi Aleppo.

Theo ông Putin, kẻ ám sát muốn khiêu khích Nga, phá hủy tiến trình hòa bình Syria. Sau khi bắn đại sứ Karlov, kẻ ám sát đã hô to “Đừng quên Aleppo. Đừng quên Syria!”, “Chúng tao chết ở Aleppo, chúng mày chết ở đây!”.

ổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan (trái) và Tổng thống NGa Vladimir Putin thống nhất vụ ám sát là tấn công khủng bố. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin thống nhất vụ ám sát là tấn công khủng bố. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, nói với Al Jazeera, Phó Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Kani Torun cho biết cuộc điều tra vụ ám sát của Thổ Nhĩ Kỳ đang nhắm tới Phong trào Gulen.

Phong trào Gulen do giáo sĩ Ffethullah Gulen đang sống ở Mỹ lãnh đạo, bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố, cáo buộc là thủ phạm vụ đảo chính bất thành ngày 22-7.

Theo nghị sĩ Torun, không có chứng cứ cho thấy kẻ ám sát Altintas chưa từng đến Syria hay có liên hệ với nhóm vũ trang nào chiến đấu ở Syria. Ông cho rằng tổ chức duy nhất có khả năng là thủ phạm gây ra vụ ám sát này là Phong trào Gulen - vốn có ảnh hưởng rất lớn trong lực lượng cảnh sát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm