Đại sứ Mỹ tại LHQ ăn trưa với đại diện Đài Loan ở New York

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Kelly Craft hôm 16-9 đã có buổi ăn trưa với ông James K.J. Lee – Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại New York, một cuộc gặp được bà Craft mô tả là “lịch sử” và là bước tiếp theo của Washington trong nỗ lực tăng cường quan hệ với hòn đảo mà Trung Quốc coi là lãnh thổ chờ thống nhất.

Theo hãng tin AP, bà Craft cho biết buổi ăn trưa với ông Lee tại một nhà hàng ngoài trời ở khu East Side của quận Manhattan là cuộc gặp đầu tiên giữa một quan chức cấp cao Đài Loan và một đại sứ Mỹ tại LHQ.

“Tôi đang tìm cách làm điều đúng đắn của tổng thống của mình và tôi cảm thấy rằng ông ấy đã tìm cách củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương này với Đài Loan, và tôi muốn tiếp tục điều đó nhân danh chính quyền (Mỹ)” - bà nói với AP.

Cuộc gặp diễn ra vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3-11 và chỉ một ngày trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach sẽ đến Đài Loan trong chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tới hòn đảo này trong nhiều thập niên. Ông Krach dự kiến sẽ gặp lãnh đạo Thái Anh Văn và tham gia cuộc đối thoại kinh tế với giới chức Đài Loan.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft có buổi ăn trưa "lịch sử" với ông James K.J. Lee – Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại New York hôm 16-9. Ảnh: AP

Hoạt động này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng đang gia tăng  giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến đại dịch COVID-19, thương mại, vấn đề Hong Kong và tình hình Biển Đông.

Mối quan hệ ấm hơn của Mỹ với Đài Loan phần lớn là kết quả sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ, nhưng cũng cho thấy mức độ sẵn sàng của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thách thức các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Chính quyền Trump đang thúc giục Đài Loan trở thành một thực thể riêng biệt trong các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, và đang nỗ lực đẩy lùi các chiến thắng ngoại giao của Bắc Kinh đối với Đài Bắc trong năm nay, bao gồm một số nước nhỏ từ bỏ công nhận ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc.

Bà Craft cho biết ông Lee, người từng là tổng thư ký của Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho đến tháng 7 và mới đến New York, đã mời bà đi ăn trưa và bà đã nhận lời.

Đài Loan rời LHQ vào năm 1971 khi Trung Quốc gia nhập và bị loại khỏi tất cả các cơ quan trực thuộc, bao gồm Hội đồng Y tế Thế giới – cơ quan ra quyết định của WHO. Tuy nhiên, Đài Loan lại sở hữu một trong những hệ thống y tế mạnh nhất thế giới và đã giành được nhiều lời khen ngợi trong việc xử lý đại dịch COVID-19.

Hồi tháng 5, phái bộ Mỹ tại LHQ đã đăng bài tweet mà Đại sứ Craft sau đó chia sẻ lại, bày tỏ sự ủng hộ đối với sự tham gia của Đài Loan tại LHQ, nói rằng tổ chức gồm 193 quốc gia thành viên này được thành lập để phục vụ “mọi tiếng nói”, hoan nghênh “sự đa dạng về quan điểm và góc nhìn”, đồng thời thúc đẩy quyền con người. Bài tweet viết việc ngăn Đài Loan gia nhập LHQ là một “sự sỉ nhục” không chỉ với người Đài Loan, mà còn với các nguyên tắc của LHQ.

Người phát ngôn của phái bộ Trung Quốc tại LHQ đã bày tỏ “sự phẫn nộ mạnh mẽ và phản đối kiên quyết”, gọi bài tweet của phái bộ Mỹ là “vi phạm nghiêm trọng” nghị quyết của Đại hội đồng LHQ vốn đã trao cho Trung Quốc chiếc ghế tại tổ chức này, ba thông cáo chung Mỹ-Trung, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Đại sứ Craft cho biết 24 triệu người ở Đài Loan “cần được lắng nghe và họ đang bị Bắc Kinh cho ra rìa”. “Thực sự là một điều xấu hổ vì lẽ ra họ có thể tham gia các công việc của LHQ giống như những người khác. Nếu Mỹ không đứng lên chống lại Trung Quốc thì ai sẽ làm điều đó khi nói đến Đài Loan, và không chỉ Đài Loan mà còn Hong Kong và những nước khác” – bà Craft nói.

Đại sứ Craft cho biết bà và ông Lee “đã thảo luận về những cách khác nhau mà chúng tôi có thể giúp Đài Loan gắn bó hơn trong LHQ”. Nhà ngoại giao Mỹ nói thêm rằng Mỹ và Đài Loan chia sẻ mục tiêu thúc đẩy dân chủ, và rằng bà trông đợi một ngày nào đó sẽ tiếp kiến lãnh đạo Thái Anh Văn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm