Đại nhạc hội châu Âu châm ngòi tranh cãi chính trị Nga-Ukraine

Bất đồng chính trị phủ bóng nghệ thuật

Ngày 14-5 vừa qua, nữ ca sĩ người Ukraine cô Jamala đã trở thành quán quân của cuộc thi âm nhạc quốc tế - đại nhạc hội châu Âu Eurovision lần thứ 61, tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển). Bài hát 1944 của Jamala đã đạt được số điểm cao nhất trong các thí sinh: 534 điểm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng bài hát thắng cuộc lại lấy cảm hứng từ chuyện người Tatar bị trục xuất khỏi Crimea trong giai đoạn Thế chiến thứ 2, dưới thời lãnh đạo Liên Xô Stalin.

Trong khi đó, ca sĩ nhạc pop nổi tiếng người Nga Sergey Lazarev với phần trình diễn bài hát You are the only one chỉ đứng hạng ba với số điểm 491. Trang RT nhận định các kết quả này không chỉ bất ngờ mà còn “khó hiểu” đối với nhiều khán giả.

Năm nay, ban tổ chức Eurovision đã quyết định đưa ra một hệ thống bình chọn mới. Trong đó, điểm bình chọn ban giám khảo và khán giả được thông báo riêng rẽ nhưng lại phản ánh hai bức tranh rất “khác nhau”.

Nữ ca sĩ Ukraine Jamala trở thành quán quân Eurovision 2016. Ảnh: SPUTNIK

Sau khi ban giám khảo (mỗi nước năm người) bình chọn, Nga được xếp cùng hạng năm với Bỉ, đồng số điểm 130. Nhưng đáng chú ý là ban giám khảo của Ukraine đều cho ca sĩ người Nga 0 điểm. Không chịu kém cạnh, ban giám khảo của Nga cũng cho nữ ca sĩ Jamala của Ukraine 0 điểm.

Tuy nhiên, khi xét đến kết quả bình chọn trực tuyến của khán giả, mọi kết quả đều đảo lộn. Các khán giả từ châu Âu và Úc đều tỏ ra yêu thích bài hát của Nga nhiều hơn, giúp Sergey Lazarev đạt số điểm cao nhất và trở thành “quán quân” của các khán giả. Mặt khác, những bạn xem đài của Nga và Ukraine cũng tỏ thái độ thân thiện hơn hẳn các giám khảo đại diện của họ. Người Ukraine cho ca sĩ người Nga 12 điểm. Còn người Nga cho nữ ca sĩ Ukraine 10 điểm.

“Chiến địa” Eurovision năm 2017

Nam ca sĩ Sergey Lazarev của Nga chỉ đứng thứ ba chung cuộc. Ảnh: RT

Cuộc thi thố tại Stockholm đã ngã ngũ, thế nhưng “chiến địa” Eurovision vẫn còn nhiều rối ren. Chính trị gia các nước vẫn đang tranh cãi về quyết định chọn nước tiếp theo làm chủ nhà Eurovision.

Thị trưởng TP Kiev ông Vitaly Klitschko ngày 15-5 cho biết các công tác chuẩn bị cho Eurovision 2017 đã bắt đầu tại thủ đô Ukraine. Trong khi đó, thị trưởng TP cảng Odessa phía nam Ukraine cũng bày tỏ hy vọng được đăng cai tổ chức đại nhạc hội châu Âu.

Refat Chubarov, lãnh đạo tổ chức Mejlis của Dân tộc Tartar gốc Crimea, bị Nga xem là nhóm khủng bố cực đoan, lại tuyên bố trên Facebook rằng chiến thắng của cô Jamala là “một bước tiến trên con đường giành lại Crimea từ nước Nga”. Cựu Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk cũng “chính trị hóa” kết quả cuộc thi âm nhạc: “Ukraine đã và sẽ chiến thắng. Crimea sẽ là của người Ukraine”.

Trong khi đó, phó thị trưởng của Cirmea ông Dmitry Polonsky lại bày tỏ sự hoài nghi liệu Ukraine đủ năng lực tài chính để tổ chức cuộc thi. Eurovision đòi hỏi các nước chủ nhà phải tiêu tốn hàng triệu USD.

Thụy Điển đã chi ra gần 15 triệu USD cho kỳ thi năm nay. Azerbaijan năm 2012 cũng từng chi ra đến 68 triệu USD. Polonsky mỉa mai rằng Ukraine tốt nhất nên bán các lãnh thổ phía tây nước mình để trả các chi phí của Eurovision 2017. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm