Đặc phái viên LHQ: Myanmar có nguy cơ rơi vào bế tắc

Ngày 30-4, tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), Đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener nói rằng trong trường hợp không có phản ứng tập thể từ cộng đồng quốc tế đối với cuộc chính biến tại Myanmar, việc điều hành đất nước tại quốc gia này có nguy cơ đi vào bế tắc khi bạo lực đang trở nên ngày một tồi tệ hơn, hãng Reuters đưa tin.

Bà Burgener đã báo cáo với Hội đồng Bảo an về cuộc gặp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á và bày tỏ hy vọng có thể tới Myanmar. Tuy nhiên, tới nay, chính quyền quân sự nước này vẫn chưa chấp thuận chuyến thăm của bà. 

Bà Burgener cho biết: “Việc điều hành chung của nhà nước có thể đi vào bế tắc khi phong trào ủng hộ dân chủ tiếp tục diễn ra bất chấp việc chính quyền quân sự sử dụng vũ lực để trấn áp và bắt giữ”.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener. Ảnh: UN

Theo Đặc phái viên, việc chính quyền quân sự tiếp tục trấn áp người biểu tình có nguy cơ làm suy giảm động tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng sau cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với người đứng đầu quân đội Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing - hồi 2-4.

Bà Burgener cũng cho biết có nhiều báo cáo liên quan cho rằng rằng dân thường - chủ yếu là sinh viên từ các khu vực thành thị - đang được các nhóm vũ trang nổi dậy huấn luyện cách sử dụng vũ khí.

"Trong trường hợp không có phản ứng tập thể từ cộng đồng quốc tế, bạo lực sẽ gia tăng” - vị đặc phái viên nhận định.

Trong một tuyên bố sau cuộc họp hôm 2-4, Hội đồng Bảo an nhấn mạnh "việc ASEAN kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức và kêu gọi mau chóng thực hiện năm điểm đồng thuận về tình hình Myanmar là vô cùng quan trọng, và là bước đầu tiên hướng tới một giải pháp hòa bình và bền vững thông qua đối thoại mang tính xây dựng".

Myanmar đã rơi vào tình trạng vô cùng hỗn loạn kể từ khi quân đội nước này bất ngờ bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo cấp cao của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) hồi 1-2.

Theo Reuters, tính đến thời điểm hiện tại, các cuộc tuần hành vẫn tiếp diễn tại nhiều thành phố và thị trấn trên khắp Myanmar.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết đã có hơn 3.400 người đã bị giam giữ và ít nhất 759 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối cuộc chính biến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm