Cựu đại sứ Afghanistan tại Mỹ: Chính quyền Kabul tham nhũng dẫn đến sụp đổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bà Roya Rahmani, nữ đại sứ đầu tiên của Afghanistan tại Mỹ, người đã rời chức vụ hồi tháng 7, bày tỏ sự kinh hoàng trước việc Taliban tiếp quản quê hương của bà, song cho biết bà không ngạc nhiên trước việc này.

Theo hãng tin Reuters, trả lời phỏng vấn hôm 8-9, bà Rahmani cáo buộc chính phủ cũ do Mỹ hậu thuẫn ở Kabul thất bại trong việc lãnh đạo đất nước và nạn tham nhũng lan rộng đã mở đường cho chiến thắng của Taliban vào tháng trước.

"Tôi, với tư cách là một công dân Afghanistan, không ngạc nhiên trước thực tế khi Taliban đã chiếm Afghanistan theo cách họ đã làm một cách nhanh như vậy, một phần do thiếu sự lãnh đạo của chính phủ Afghanistan vào thời điểm đó" - bà Rahmani nói.

Cựu đại sứ Afghanistan tại Mỹ Roya Rahmani trả lời phỏng vấn tại thủ đô Washington D.C, ngày 8-2-2019. Ảnh: REUTERS 

Trong một bài phát biểu vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cáo buộc quân đội Afghanistan thiếu "ý chí chiến đấu" vì tương lai của đất nước họ. Phản hồi lại, cựu đại sứ Rahmani cho hay bà nhìn nhận mọi thứ theo một hướng khác.

"Nguyên nhân không phải do lực lượng Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu vì tự do và bảo vệ người dân của họ, mà là do sự tham nhũng của chính quyền. Về cơ bản, những người lãnh đạo đã giao đất nước lại cho Taliban" - bà Rahmani nói.

Theo bà, việc ông Ashraf Ghani quyết định từ bỏ chức vụ tổng thống và bỏ trốn khỏi Afghanistan vào ngày 15-8 là "vô cùng đáng thất vọng và xấu hổ".

Cựu đại sứ 43 tuổi đã rời bỏ công việc tại Mỹ sau gần ba năm đảm nhận vai trò này. Những lời cáo buộc của bà Rahmani về vấn đề tham nhũng trên diện rộng và quản lý yếu kém ở Kabul đã phản ánh lại những lời cảnh báo tương tự của các quan chức và cựu quan chức Mỹ trong nhiều năm qua.

Các tay súng Taliban đứng canh gác tại thủ đô Kabul. Ảnh: BBC

Theo đó, nhiều quan chức Mỹ tin rằng việc chính quyền Kabul tham nhũng đang dần làm xói mòn niềm tin của người dân Afghanistan và thậm chí, gián tiếp trở thành nguyên nhân khiến một số người chuyển sang ủng hộ Taliban.

Bên cạnh đó, bà cũng cảnh báo chính quyền Washington rằng sự trỗi dậy của Taliban sẽ gây ra những hậu quả địa chính trị sâu rộng, ảnh hưởng lớn đến Mỹ và các nước đồng minh.

“Pakistan, một đồng minh của Mỹ song cũng thân với Taliban, sẽ có được đòn bẩy trong các giao dịch với Washington. Tôi tin rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với một Pakistan mới”- cựu đại sứ Rahmani nhận định.

Theo bà Rahmani, việc Taliban tiếp quản sẽ có những tác động mạnh đối với Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và hơn thế nữa.

Những người phụ nữ Afghanistan tràn xuống đường biểu tình tại thủ đô Kabul. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, bà nói rằng quyết định của Taliban khi loại trừ phụ nữ khỏi tất cả các vị trí lãnh đạo của chính phủ Afghanistan mới là bằng chứng cho thấy thời kỳ đen tối có thể đang ở phía trước đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nước này.

Trước đó, hôm 7-9, một nhóm phụ nữ Afghanistan đã phải ẩn nấp sau khi các tay súng Taliban nã đạn vào không trung để giải tán hàng trăm người biểu tình trên một con phố ở Kabul, Reuters đưa tin.

"Tôi nghiêng mình thán phục tất cả những người phụ nữ dũng cảm ở Afghanistan. Thật là mạo hiểm khi làm những gì họ đang làm. Đó cũng là một dấu hiệu cho cả thế giới thấy rằng họ sẵn sàng từ bỏ tất cả để đấu tranh vì sự tự do của mình" - bà Rahmani chia sẻ.

Lần cuối cùng Taliban cai trị Afghanistan, trẻ em gái không được đi học trong khi phụ nữ bị cấm đi làm và buộc phải mặc kín từ đầu tới chân nếu đi ra đường. Tuy nhiên, sau khi chiếm quyền Kabul hôm 15-8, Taliban đã kêu gọi người dân Afghanistan kiên nhẫn và hứa sẽ khoan dung hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm